DONALD TRUMP VÀ KIM JONG-UN ĐẠT ĐƯỢCTHỎA THUẬN GÌ Ở HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNHHÀ NỘI? (LÊ QUẾ LÂM)

chaomung_trump_kim
”...Mục tiêu của Mỹ là vận động Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đứng ngoài cuộc xung đột mới giữa Bắc Kinh và Hoa Thạnh Đốn, vì cả hai đều là con bài của Trung Cộng trong Chiến tranh lạnh vừa qua...”

Bảng chào mừng ông Trump và Kim tại một quán an Nam Hàn



ngày 20/2/2019 tại Hà Nội - Linh Pham/Getty Images

Để trả lời câu hỏi này, xin nhìn lại lịch sử
70 năm qua. Tháng 10/1949 Cộng sản Trung Quốc chiến thắng ở Hoa Lục. Sau thắng lợi này Mao Trạch Đông hy vọng sẽ mở rộng ảnh hưỏng khắp Châu Á. Nơi đây đã có hai đảng Cộng sản giành được chính quyền ngay sau khi Thế chiến II chấm dứt, đó là Đảng CS Việt Nam và Đảng CS Triều Tiên. Mao tin tưởng với chiến thuật biển người của đội quân chủ lực khổng lồ của mình, ông sẽ giúp lãnh tụ CS Triều Tiên Kim Nhật Thành kiểm soát toàn bộ bán đảo Triều Tiên và làm hậu thuẫn ông Hồ Chí Minh kháng chiến đánh bại thực dân Pháp ở Đông Dương. Tất cả không ngoài mục tiêu đạt cho bằng được lợi ích chiến lược của Mao: thành lập khối Cộng sản Đông Á để đương đầu với khối Cộng sản Đông Âu. Tham vọng của Mao là giành quyền lãnh đạo “Thế giới Cách mạng” với Stalin trong ước mơ “Gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây”.
Để thực hiện mưu đồ này, ngày 18/1/1950 Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa là nước đầu tiên trên thế giới công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ Hồ Chí Minh. Lúc bấy giờ chính phủ của ông Hồ đóng ở Việt Bắc, đang kháng chiến chống Pháp. Ngay sau đó Mao công khai ủng hộ Cộng sản Việt Nam, đặt hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây làm hậu phương cung cấp vũ khí, đạn được, lương thực giúp bộ đội Việt Minh. Bắc Kinh còn cử một đoàn cố vấn hùng hậu do tướng Vi Quốc Thanh - phụ trách quân sự, và tướng Lã Quí Ba - phụ trách chính trị sang giúp Việt Minh tổ chức lại quân đội, kiện toàn hệ thống thông tin, hậu cần và chỉnh đốn tư tưởng cán binh theo đúng khuôn mẫu Trung Quốc.
Trong khi đó tại bán đảo Triều Tiên, Kim Nhật Thành tin tưởng ở chủ trương “Viện Triều đánh Mỹ” của Mao, nên sáng sớm ngày 25/6/1950, ông ra lịnh 8 sư đoàn Cộng sản Bắc Triều Tiên bất thần mở ba mặt trận vượt vĩ tuyến 38 tấn công Nam Triều Tiên. Ngay sau đó, tổng thống Mỹ Harry Truman chưa kịp tham khảo ý kiến của Quốc hội, ra lịnh tướng MacArthur tiếp vận chiến cụ khẩn cấp cho Nam Triều Tiên và điều động Hạm đội 7 vào eo biển Đại Loan để bảo vệ quần đảo này. Đồng thời Tổng thống Truman chỉ thị bộ Ngoại giao đưa vấn đề Bắc Triều Tiên xâm lăng ra Hội đồng Bảo An.
Hội đồng Bảo An kêu gọi các nước hội viên Liên Hiệp Quốc gởi quân đến vãn hồi hòa bình ở bán đảo Triều Tiên. Lúc bấy giờ Liên Xô tìm cách lánh mặt, không dùng quyền phủ quyết để ngăn cản sự can thiệp của LHQ. Ngày 30/6/1950, 4 sư đoàn thuộc Quân đoàn 8 của Mỹ trú đóng ở Nhật mở đầu cầu đổ bộ lên Pusan, tiếp theo là Lữ đoàn 27 Hoàng gia Anh và lực lượng 14 nước hội viên LHQ. Tướng McArthur được cử làm Tư lịnh Quân đội LHQ ở Triều Tiên.
Trước sự phản công mãnh liệt của Mỹ và quân LHQ, đến tháng 7/1953 Mao Trạch Đông chấp nhận đình chiến với thỏa ước Panmunjom. Trung Cộng chịu tổn thất nặng nề, gần 1 triệu binh sĩ thương vong mà không giành được thắng lợi quân sự nào, Triều Tiên trở lại nguyên trạng cũ, vẫn bị chia cắt ở vĩ tuyến 38. Sau đó, Thủ tướng Chu Ân Lai đề nghị các cường quốc nên dùng giải pháp chia cắt Triều Tiên để giải quyết cuộc chiến ở Đông Dương. Đề nghị này được các cường quốc Anh, Pháp, Mỹ, Nga đồng ý tại Hội nghị Genève 1954: Hai vương quốc Cam Bốt và Ai Lao trung lập, riêng Việt Nam bị chia hai tại vĩ tuyến 17.  
Quyết tâm của Hoa Kỳ ngăn chận sự bành trướng thêm nữa của chủ nghĩa cộng sản đã làm Bắc Kinh thay đổi đường lối chiến lược. Trung Cộng bắt đầu hướng về các nước trung lập Á Phi, tranh thủ ảnh hưởng các nước Thế giới thứ ba. Nhờ can thiệp trực tiếp vào hai cuộc chiến Triều Tiên và Đông Dương, nên Mỹ mới chấp nhận cho Trung Cộng được tham dự hội nghị Genève 1954 để cùng các cường quốc mang lại hòa bình cho thế giới. Từ đó họ bắt tay hòa hoãn với Mỹ qua các cuộc nói chuyện trực tiếp bắt đầu ở Genève, sau đó chuyển sang Warsaw (Ba Lan)
Khi tham dự hội nghị Genève 1954, Thủ tướng Chu Ân Lai đòi hai nước Miên, Lào được trung lập, còn Việt Nam phải chia đôi vì sự xung đột giữa Quốc gia Việt Nam (Bảo Đại) và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Hồ Chí Minh). Sau đó Chu đi thăm hai quốc gia trung lập là Miến Điện, Ấn Độ và đề ra 5 nguyên tắc sống chung hòa bình, được xem là đường lối đối ngoại của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tháng 4/1955 Chu tham dự hội nghị đầu tiên các nước Á Phi được tổ chức ở Bandung (Nam Dương). Tại đây 5 nguyên tắc “sống chung hòa bình” của Trung Cộng được 29 nước Á Phi thừa nhận
Năm 1960, Mặt trận Giải phóng Miền Nam ra đời với chủ trương trung lập Miền Nam Việt Nam. Ông Hồ Chí Minh ủng hộ Mặt trận để phát động cuộc chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà thực chất là để bành trướng phe Xã hội chủ nghĩa. Điều này được ghi trong Nghị quyết của Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ ba tháng 9/1960. Từ đó đường lối trung lập của Bắc Kinh chuyển sang bước mới là Thế giới Thứ ba và họ tự nhận là lãnh tụ. Đặng Tiểu Bình lúc đó là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khuyến cáo Hà Nội đừng hợp tác với Liên Xô, mà đứng về Thế giới Thứ ba để bảo vệ nền độc lập dân tộc chống chính sách bá quyền của hai siêu cường Nga Mỹ.
Về phần Kim Nhật Thành, qua cuộc chiến Triều Tiên ông nhận thấy Liên Xô đã có chủ trương hòa hoãn với Mỹ, còn Trung Cộng thì tận tình giúp ông “Viện Triều đánh Mỹ”…Nhưng khi thấy được sức mạnh và quyết tâm của Mỹ, Bắc Kinh cũng bắt đầu hòa hoãn với Mỹ. Trong khi đó người đồng chí đồng cảnh ngộ là Hồ Chí Minh, bất chấp các lời khuyến cáo của hai đàn anh Cộng sản, phát động cuộc chiến “Chống đế quốc Mỹ xâm lược” để thống nhất Việt Nam. Nhờ đó, Hà Nội đã trực tiếp nói chuyện với Mỹ tại hội nghị Paris.
Trong cuộc đàm phán để giải quyết cuộc chiến Việt Nam, hai đàn anh Cộng sản của Hà Nội, giúp Mỹ kết thúc chiến tranh VN bằng giải pháp hòa bình trong danh dự, không có kẻ thắng, người bại: Miền Nam Việt Nam trung lập. Hoa Kỳ rút khỏi châu Á. Kế hoạch phòng thủ Đông Nam Á đã thành công. SEATO giải tán. ASEAN ra đời. Vòng đai ngăn chận Trung Cộng bành trướng đã hình thành. Phía Bắc là Đại Hàn với tổng thống là tướng Park Chung-hee. Đài Loan của Thống chế Tưởng Giới Thạch, Phi Luật Tân với Tổng thống Ferdinand Marcos. Vòng xuống phía Nam và phía Tây là Nam Dương dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Suharto. Thủ tướng Thái Lan là Thống chế Kittikachorn. Tổng thống Cam Bốt là tướng Lon Nol. Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa là tướng Nguyễn Văn Thiệu. Hai nước Singapore và Mã Lai đều là thân hữu của Mỹ.
Tuy nhiên Lê Duẩn đã phá vỡ kế hoạch này, xé bỏ hiệp định Paris 1973, thôn tính Miền Nam, thống nhất Việt Nam. Hoa Kỳ không phản ứng khi Cộng sản Việt Nam vì nghĩa vụ dân tộc, thống nhất đất nước. Hoa Kỳ vẫn thực hiện kế hoạch lâu dài đối với Cộng sản Việt Nam được Tiến sĩ Henry Kissinger phác họa khi ông đồng ý với Tổng thống Nixon oanh tạc Bắc Việt hồi cuối tháng 12/1972 để Hà Nội trở lại bàn hội nghị ở Paris, kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Theo đó mối quan hệ giữa Mỹ và Cộng sản Việt Nam sẽ trải qua ba giai đoạn: bước thứ nhất chấm dứt thù địch, bước thứ hai thiết lập bang giao, bước cuối cùng là cộng tác, xây dựng mối quan hệ đối tác hai nước. Bước thứ ba này đã được thực hiện khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến gặp tổng thống Obama tại phòng Bầu dục Tòa Bạch Ốc hồi tháng 7/2015. Tháng 5/2016 tổng thống Obama đến Việt Nam nâng mối Đối tác toàn diện lên tầm cao. Chủ tịch Trần Đại Quang yêu cầu Mỹ bãi bỏ cấm vận để Việt Nam được mua vũ khí của Mỹ.
Trong khi đó, Trung Cộng coi việc Hà Nội đổi tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sau đó Lê Duẩn cùng Brezhnev ký Hiệp ước hợp tác & hữu nghị Việt Xô ngày 3/11/1978 và đưa quân sang Miên lật đổ Pol Pot là hành động bá quyền xâm lược. Đặng Tiểu Bình thành lập Liên minh chống bá quyền Liên Xô và kêu gọi sự hợp tác của Mỹ, Nhật và Tây Âu cho mục tiêu này. Đồng thời ra lịnh tấn công Việt Nam “dạy tên tiểu bá quyền khu vực” một bài học. Mười năm sau, Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tan vỡ. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lọt vào quỹ đạo Trung Cộng.
Nhìn lại lịch sử, Cộng sản Triều Tiên đã thấy Trung Cộng lợi dụng chiến tranh ở Triều Tiên và Việt Nam để nói chuyện với Mỹ, sau đó hợp tác với Mỹ chống Liên Xô và nhờ Mỹ giúp Trung Quốc thực hiện “bốn hiện đại hóa”. Hồ Chí Minh nhờ phát động chiến tranh “chống đế quốc Mỹ” khiến Mỹ phải trực tiếp đàm phán với Hà Nội, thì tại sao Triều Tiên không dùng vũ khí nguyên tử đe dọa, buộc Mỹ phải trực tiếp nói chuyện với Bình Nhưỡng? Vì thế, từ Kim Nhật Thành đến đứa cháu đích tôn là Kim Jong-un  đều quyết tâm thủ đắc vũ khí hạt nhân, mới mong Mỹ đàm phán để mang lại lợi ích cho nhân dân Triều Tiên… Nhưng dòng họ Kim kỳ vọng Triều Tiên sẽ không gặp thảm họa như Việt Nam.
Qua nhiều đợt thử vũ khí nguyên tử, với cường độ ngày càng cao, mưu định trực tiếp đàm phán với Mỹ của Kim Jong-un đã thành công. TT Donald Trump sẳn sàng gặp Kim Jong-un để chấm dứt thù địch ở bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in đã ủy quyền cho họ Kim thay mặt Nam Triều Tiên đứng ra thương thảo với TT Trump ở hội nghị thượng đỉnh Singapore ngày 12/6/2018. Hai bên cam kết thiết lập mối quan hệ mới giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên để góp phần mang lại hòa bình lâu dài, ồn định và thịnh vượng tại bán đảo Triều Tiên. Đồng thời hai bên tái khẳng định Tuyên bố Panmunjom (Bàn Môn Điếm) ngày 27/4/2018 giữa chính phủ hai miền Nam Bắc Triều Tiên, cam kết hợp tác hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Như vậy, tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, hai ông Trump và Jong-un chỉ đạt được thỏa thuận: Hoa Kỳ và Cộng sản Triều Tiên sẽ thiết lập bang giao và chấm dứt thù địch. Còn vấn đề phi hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên sẽ do sự hợp tác của chính phủ hai miền Nam Bắc, nhưng Kim Jong-un có vẻ còn chần chừ. Điều này dẫn đến sự trừng phạt nặng nề của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên.
Trước khi đến Hà Nội gặp Kim Jong-un, trong buổi tiếp xúc với các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 20/2 Trump cho biết ông có thể nới lỏng lệnh trừng phạt Triều Tiên nếu nước này “làm điều gì có ý nghĩa” trong việc phi hạt nhân hóa. Ông nói thêm “Tôi không nghĩ họ đang chần chừ, tôi nghĩ họ cũng muốn làm điều gì đó… Chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra”. Trump mong muốn sẽ gặp lại ông Kim sau hội nghị ngày 27-28/2 ở Hà Nội. Vì thế, chỉ có thể kỳ vọng trong hai ngày cuối tháng này, tại Hà Nội, ông Trump và Jong-un sẽ ký một thỏa ước chấm dứt thù địch, thiết lập bang giao và hợp tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên, tương tự như Mỹ đã thực hiện đối với Cộng sản Việt Nam.
Còn vấn đề phi hạt nhân hóa, Kim Jong-un có thể lý giải với Trump việc Triều Tiên thụ đắc vũ khí nguyên tử là vì nhu cầu tự vệ, đồng thời cũng là công cụ để Bình Nhưỡng nói chuyện với các cường quốc. Điển hình là Trung Cộng đã từng móc nối với chú dượng Jang Song-thaek và người anh cùng cha khác mẹ Kim Jong-nam của Kim Jong-un để lật đổ ông. Tổng thống Nga Putin từng tuyên bố “Bắc Triều Tiên thà ăn cỏ, nhưng dứt khoát không từ bỏ vũ khí hạt nhân”. Như thế, Bắc Kinh có thể sẽ phải ký với Bình Nhưỡng một thỏa ước chấm dứt thù địch, tôn trọng sự tồn tại của Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên, như TT Trump đã làm. Có như vậy, bán đảo Triều Tiên mới thực sự hòa bình và ổn định lâu dài. Nếu không thực hiện điều này, Bắc Triều Tiên không còn là bạn mà trở thành kẻ thù của Bắc Kinh.
Từ suy luận trên, sau hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội, có thể ông Trump không còn đặt vấn đề phi hạt nhân hóa và trừng phạt Bắc Triều Tiên lên hàng đầu. Mục tiêu của Mỹ là vận động Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đứng ngoài cuộc xung đột mới giữa Bắc Kinh và Hoa Thạnh Đốn, vì cả hai đều là con bài của Trung Cộng trong Chiến tranh lạnh vừa qua. Đã đến thời điểm, hai quốc gia này quay về làm nghĩa vụ dân tộc để phát triển đất nước phồn vinh.
25/2/2019 Lê Quế Lâm

Không có nhận xét nào: