KHI NÀO THÌ TỚI CHÍNH CHÚNG TA? (CÁNHCÒ)



nguyenngocdung”...Một hôm nào đó con chúng ta trên đường đi học về bị tai nạn nhưng không ai giúp đỡ vì họ sợ liên lụy như anh tài xế Nguyễn Ngọc Dũng, vì cứu người phải bị 15 tháng tù giam. Khi việc này xảy ra chúng ta sẽ đối phó như thế nào nếu hôm nay chúng ta im lặng trước vụ án của Dũng?...” 
Anh Nguyễn Ngọc Dũng - Ảnh baomoi.com


Nếu bạn đang theo dõi vụ án “ly dị ngàn tỷ” với những tình tiết rất hấp dẫn, quan tòa cùng hai nhân vật chính diễn đi diễn lại “tấn trò đời” đã làm bạn quên đi phần nào cuộc sống khó khăn, đầy dẫy những trăn trở trước chiếc hầu bao của gia đình ngày một teo tóp…
Nếu bạn đang tự hỏi hai ông cựu Bộ trưởng Bộ 4T rồi đây sẽ lãnh án bao nhiêu năm và còn bao nhiêu đồng phạm nữa sẽ ra tòa, thì bạn đang theo dõi dòng chảy chính trị ở thượng tầng, nơi mà người trong cuộc đấu đá nhau rất khiếp đảm để trừng phạt kẻ đã chống lại mình…
Và nếu bạn chưa nghe tin về một tài xế vì ngừng xe mang một bé trai hai tuổi lên xe mình trước đôi mắt chia sẻ của hơn chục hành khách vì lo rằng em sẽ bị tai nạn, bị lạc đường về nhà và kết quả là anh tài xế tốt bụng ấy bị bắt, bị cáo buộc về tội “Giữ người trái pháp luật”. Bạn nên theo dõi vụ này, nếu không một ngày nào đó không xa lắm bạn sẽ là anh tài xế tốt bụng này. Ngược lại, nếu vì lo xa cho tính mệnh của mình mà bạn bỏ qua mọi sự thì đó cũng là lúc bạn nên suy nghĩ lại tại sao tòa án lại tước đi thiên lương trong mỗi con người chúng ta qua một vụ án bất nhân, trái với tinh thần pháp luật như thế.
Anh tài xế là Nguyễn Ngọc Dũng thường trú tại phường EaTam, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk bị tòa sơ thẩm Buôn Hồ tuyên phạt 24 tháng tù giam về tội giữ người trái pháp luật. Anh Dũng kháng án và ngày 21 tháng 2 năm 2019 vừa qua phiên phúc thẩm đã giảm cho anh Dũng xuống còn 15 tháng tù giam.
Theo lời khai của anh Dũng trong hồ sơ vụ án thì vào ngày 18/3, khi đang chở 11 hành khách qua phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ anh Dũng phát hiện 1 cháu bé khoảng 2 tuổi đang khóc, chạy ra giữa đường. Đúng lúc này có một chiếc xe giường nằm màu đỏ chạy ngược chiều theo hướng Buôn Ma Thuột đến Buôn Hồ, suýt va chạm với cháu bé. Lo lắng cho sự an toàn của đứa trẻ, anh Dũng nói phụ xe xuống bế cháu bé.
Trước mặt 11 hành khách trên xe anh Dũng nói rằng sẽ chở cháu bé tới trình báo với công an nơi gần nhất để công an tìm thân nhân của cháu. Rất không may cho anh, khi tới một chốt công an kiểm tra giao thông trên đường thì xe anh bị chặn lại, công an lên xe khám xét thấy anh đang bế cháu bé và thế là anh bị bắt vì tình nghi bắt cóc trẻ em.
Tại cơ quan điều tra, lái xe, phụ xe cùng tất cả hành khách đều tường trình đúng lại sự việc. Tuy nhiên, cơ quan công an cho rằng đã có sự câu kết giữa nhà xe và hành khách để bắt cóc trẻ em...
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia pháp lý, việc truy tố anh Dũng là hoàn toàn sai trái và cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã bỏ qua động cơ phạm tội của bị can. Cơ quan điều tra đã không màng tới 11 nhân chứng và phụ xế trên xe khi xảy ra vụ việc, Đây là yếu tố quan trọng bật nhất có thể kết tội hoặc minh chứng cho anh Dũng vô tội. Nếu kết luận rằng đây là sự cấu kết của hành khách cùng nhà xe để bắt cóc trẻ em thì những người cấu kết này cũng phải bị truy tố như anh Dũng.
Không ai bị truy tố ngoại trừ một mình anh Nguyễn Ngọc Dũng cho thấy sự xem thường thủ tục tố tụng của phiên tòa. Phải xử cho ra tội để được tiếng là phát hiện và xử phạt một vụ bắt cóc trẻ em trong khi hiện tượng này đang phổ biến khắp nơi, là hành động vừa xem thường luật pháp vừa khắc nghiệt với người dân mà một tòa án không nên có.
Tòa án cũng chạy theo thành tích chăng? Có lẽ. Vì ở Việt Nam không gì là không thể xảy ra.
Nếu tòa án công chính như vai trò luật pháp đặt trên vai nó thì sẽ không có, hoặc rất ít án oan sai như hiện nay. Người dân nghe nói ra tòa là tâm lý của họ hiện ra ngay hai chữ “vào tù” hay nếu có tiền họ sẵn sàng “chạy án” kể cả họ vô tội vì ai cũng biết rằng chốn công đường là nơi chung chi để không vào tù. Mỗi vụ án đều có cái giá của nó và người dân cũng biết rằng nếu anh Dũng đủ tiền để chung chi thì sẽ thoát tội một cách dễ dàng vì anh không có động cơ phạm tội, không có đồng lõa và được hơn mười nhân chứng trước tòa rằng anh vô tội.
Nhưng anh vẫn phải ở tù, vì thiếu tiền và thiếu “động cơ” chạy án.
Sau 15 tháng mất tự do anh Dũng sẽ về lại với đời sống bình thường nhưng tâm lý của anh chắc chắn là không còn bình thường như trước nữa. Anh sẽ không bao giờ cứu người dù người đó có chết trước mắt. Anh sẽ không bao giờ bồng một em bé con nhà người khác kể cả để nựng nịu, một thuộc tính của con người vì anh đã bị tòa án xóa sổ lòng thiện lương trong ý thức. Anh sẽ không cho bất cứ ai lỡ đường lên xe chở giùm một đoạn vì anh biết công an sẽ tiếp tục săn đuổi anh và sẽ tiếp tục cho anh vào tù nếu làm như vậy. Anh cũng sẽ nói không với bất cứ ai cần anh giúp đỡ vì sự sợ hãi đang đeo đuổi anh đến suốt cuộc đời.
Còn chúng ta thì sao? Có cần phải suy nghĩ về vụ án này hay không vì thông thường chúng ta không để ý chuyện của người khác.
Nhưng đây chính là chuyện của chúng ta. Một hôm nào đó con chúng ta trên đường đi học về bị tai nạn nhưng không ai giúp đỡ vì họ sợ liên lụy như anh tài xế Nguyễn Ngọc Dũng, vì cứu người phải bị 15 tháng tù giam. Khi việc này xảy ra chúng ta sẽ đối phó như thế nào nếu hôm nay chúng ta im lặng trước vụ án của Dũng?
Một viên gạch liệng xuống ao sẽ không gây ra hiệu quả nào nhưng mỗi người trong chúng ta góp một viên gạch không lẽ cái ao ấy biết chạy đi để tránh? Nó sẽ bị vùi lấp và khi ấy trên đống gạch đá lấp chiếc ao ấy công lý sẽ mọc lên và chúng ta không còn ai phải bị vùi dập bởi loại tòa án như ở Buôn Hồ nữa.
Cánh Cò

Không có nhận xét nào: