SAU CHRISTCHURCH SẼ ĐẾN LƯỢT AI? (NGÔNHÂN DỤNG)

thamsat_christchurch”...Cuộc tàn sát ở Christchurch có thể là một lời báo động cho di dân ở các nước da trắng. Tuy rằng các nhóm Da Trắng Thượng Đẳng là một thiểu số không đáng kể trong các nước này, nhưng không thể đoán được lúc nào chúng sẽ nổi cơn điên đi giết người khác màu da...”

New Zealand ở “tuốt dưới” Nam Bán Cầu. Trong cộng đồng người Việt tị nạn chỉ có các đồng bào gốc Chàm có người theo Hồi Giáo. Nhưng vụ tàn sát ở hai đền thờ đạo Hồi tại Christchurch, New Zealand, rất đáng suy nghĩ.
Bà Thủ Tướng Jacinda Ardern đã quyết định không nhắc đến tên hung thủ, không muốn hắn ta được thỏa ý nguyện muốn trở thành gương mẫu cho bọn “Da Trắng Thượng Đẳng” khắp thế giới
“Hắn ta là một tên khủng bố quá khích, một tội phạm… quý vị hãy nhắc đến tên các nạn nhân chứ đừng nói đến tên kẻ giết người. Hắn muốn nổi tiếng, nhưng chúng ta, người New Zealand sẽ không cho hắn cái gì hết.” Và bà hứa sẽ cải tổ luật mang súng ở New Zealand.
Người dân New Zealand có thể hãnh diện về bà thủ tướng của họ. Cũng như đáng hãnh diện về những “anh hùng” xuất hiện giữa cảnh đổ máu.
Tại đền thờ Hồi Giáo Al Noor, nơi bị tấn công trước, Naeem Rashid là người đã xông tới ngăn cản hung thủ khi hắn đang bắt đầu bắn vào đám đông, cuốn phim do hung thủ quay bằng máy gắn trên mình cho thấy. Rashid, 50 tuổi, là người Pakistan, vốn là một nhân viên ngân hàng, sang tị nạn được chín năm, làm nghề dạy học. Ông bị bắn chết, cùng người con trai 21 tuổi.
Abdul Aziz đang ở trong Trung Tâm Hồi Giáo đường Linwood, nơi hung thủ chọn làm mục tiêu tàn sát thứ nhì. Anh vừa mưu trí, vừa can đảm, đã chạy ra khi nghe tiếng súng và thấy nhiều người bị bắn. Anh không chạy trốn mà còn lớn tiếng chửi mắng, thách thức hung thủ để đuổi bắn anh giữa những chiếc xe đậu, cố ý không cho hắn vào bên trong. Khi hắn cầm súng chạy vào phòng cầu nguyện, anh nhặt một khẩu súng hắn vứt bỏ vì hết đạn, đuổi theo, khiêu khích, khiến hắn phải quay ra xe, anh ném khẩu súng bể cửa kính, hắn phải lái xe bỏ chạy rồi bị bắt. Aziz là một người tị nạn từ Kabul, Afghanistan, đã qua Úc 25 năm trước, mới chuyển sang New Zealand mấy năm nay.
Cũng tại nhà nguyện đường Linwood, một người cha đã hy sinh để cứu con. Anh Zulfirman Syah, người Indonesia, đã đứng lên chặn giữa hung thủ và con mình, tính giựt khẩu súng máy của hắn, thân thể anh nhận nhiều phát đạn.
Một người dân đi qua đường, anh Jacob Murray, 25 tuổi, da trắng, cũng liều mạng khi chạy tới cấp cứu các nạn nhân bị bắn. Anh nghe tiếng súng nổ, và thấy có người từ trong xe đang bắn vào mấy người đi trên đường trước cửa Trung Tâm Hồi Giáo. Anh không tìm cách lánh xa mà còn đậu xe, chạy tới để cứu một phụ nữ nằm trong vũng máu, rồi nâng một người đàn ông bị thương lên xe cấp cứu.
Những tấm gương can đảm trên, do người dân New Zealand và những di dân đến từ nhiều quốc gia Hồi Giáo trên thế giới xứng đáng được nước này mở vòng tay đón nhận.
Khi bay tới Christchurch ủy lạo các nạn nhân, bà Ardern đã mặc áo trùm đầu với một tấm khăn (hijab) như các phụ nữ Hồi Giáo thuần thành. Bà đã mở đầu bài diễn văn trước Quốc Hội bằng lời chào bằng tiếng Ả Rập, “As-salamu alaykum,” lời chúc bình an quen thuộc của người Hồi Giáo. Bà kêu gọi nhân dân đứng lên ngăn chặn bọn da trắng cực đoan.
Phong trào da “trắng cực đoan” có thật và đã lên mạnh từ hai ba năm qua. Tên giết người ở Christchurch đã phát qua trang Facebook của hắn một bản “tuyên ngôn” dài 75 trang cổ động cho chủ trương này. Hắn gắn máy thâu hình trên mình để trực tiếp truyền đi (livestream) hình ảnh cuộc tàn sát cho những người da trắng cực đoan khác theo dõi. Trong 24 giờ, Facebook đã phải xóa bỏ một triệu rưỡi lần những hình ảnh này, do các “đồng chí” của hung thủ đưa lên.
Trong bản “tuyên ngôn” hung thủ nêu rõ mục tiêu của hắn là ngăn không cho người Hồi Giáo và các sắc dân “da không trắng” chiếm đoạt các xã hội, xóa bỏ nền văn minh Tây phương. Hắn kêu gọi các nước da trắng phải trừ khử nạn di dân, trục xuất những người “không trắng” và hãy đẻ nhiều con để bảo vệ dân số da trắng.
Hắn gọi tên tất cả những người da trắng là dân Âu Châu, dù là dân ở Mỹ hay ở dân Úc và hô khẩu hiệu “Đuổi bọn xâm lăng” (Remove the invaders) và “Chiếm lại Âu Châu” (Retake Europe).
Hung thủ nêu tên những “anh hùng” mà hắn muốn noi gương. Đứng đầu sổ là Anders Breivik, kẻ đã tàn sát 77 người ở Na Uy năm 2011. Breivik phát một bản “tuyên ngôn” hơn 1,500 trang, giải thích hành động của mình là “trừng phạt” Châu Âu vì đã chấp nhận di dân và nền văn hóa đa nguyên. Breivik kêu gọi các nước Âu Châu hãy lập thêm nhà hộ sinh, thúc đẩy các bà mẹ đẻ thật nhiều, mỗi người hàng chục con, những đứa trẻ tóc vàng, mắt xanh.
Một người khác được hung thủ nêu danh là Dylann Roof, một người Mỹ đã giết chín người da đen tại một nhà thờ ở South Carolina năm 2015.
Một người cũng coi Breivik như thần tượng là Christopher P. Hasson, một tay dùng ma túy, mới bị bắt vì tàng trữ nhiều súng đạn và chất nổ với ý định giết hàng loạt người “không trắng” để gây ra một cuộc “chiến tranh màu da” ở Mỹ.
Những người chủ trương Da Trắng Thượng Đẳng nuôi một ám ảnh là mối lo “nền văn minh của người da trắng” bị “quân xâm lăng” hủy diệt. Họ thấy bị đe dọa xâm lăng vì dám “di dân tập thể.” Hung thủ vụ tàn sát ở Christchurch đã thăm Âu Châu năm 2017, và cảm thấy “quân xâm lăng” đang thắng thế. Ngôi đền thờ Hồi Giáo đầu tiên bị hắn tấn công vốn là địa đểm của một nhà thờ Thiên Chúa Giáo, đã được đem bán cho di dân làm đền thờ của họ.
Các di dân ở nước nào cũng phải báo động khi nghe những chính trị gia tuyên bố những lời hầu như lập lại các luận điệu của bọn người da trắng cực đoan.
Ông Steve King, một dân biểu ở Iowa, đã bị các đại biểu Cộng Hòa trong Quốc Hội Mỹ trừng phạt khi nói rằng: “Những chữ Dân Tộc Da Trắng (White Nationalist), Da Trắng Thượng Đẳng (“White Supremacist), Văn Minh Tây Phương (Western Civilization) có gì đâu mà phải chống đối?”
Steve Bannon, cầm đầu Breitbart News, đã khuyên độc giả đọc cuốn tiểu thuyết “Trại Các Thánh” (Camp of the Saints, Le Camp des Saints của Jean Raspal, in năm 1973, in lại và bán rất chạy năm 2011), trong đó kể chuyện những di dân da màu xâm lăng và chiếm nước Pháp rồi các nước da trắng.
Ngay sau vụ tàn sát ở Christchurch xảy ra, thủ tướng Hungary, ông Viktor Orban, lại lên tiếng nói những lời báo động giống như lời của hung thủ, về cảnh nền văn minh Tây phương bị đe dọa: “Nếu không có nền văn minh Thiên Chúa Giáo, Âu Châu sẽ không còn tự do.”
Cuộc tàn sát ở Christchurch có thể là một lời báo động cho di dân ở các nước da trắng. Tuy rằng các nhóm Da Trắng Thượng Đẳng là một thiểu số không đáng kể trong các nước này, nhưng không thể đoán được lúc nào chúng sẽ nổi cơn điên đi giết người khác màu da. Nếu bọn chúng được các nhà chính trị khích lệ để kiếm phiếu thì chúng sẽ càng mạnh bạo hơn; không biết chúng sẽ đi giết di dân ở đâu, lúc nào! 
Ngô Nhân Dụng

Không có nhận xét nào: