”...Gieo gì gặt nấy, việc làm đó, gây ra trào lưu nhiều công dân trong xã hội không còn tin ở chính mình, ở Nhà nước, ở gia đình, ở nhà trường, ở bệnh viện…, mà chỉ thực tin và ngưỡng vọng, cầu cứu và biết ơn các thế lực siêu nhiên...”
Chùa chiền, nhà thờ, miếu mạo, lăng tẩm càng nhiều… là dấu hiệu về sự mất lòng tin vào thể chế và u mê của dân chúng, báo hiệu điều không lành về văn hoá của ta. Cứ thế này, thì đám đông chỉ còn tin vào Chúa, vào Phật, vào Thánh vào Thần, chứ sao tin vào Đảng vào Chính quyền được.
Việt Nam là một quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo. Người dân luôn ủng hộ bảo tồn và phát huy giá trị di sản của cha ông để lại. Tuy nhiên, chùa chiền và các khu tâm linh đã và đang xây dựng ồ ạt với quy mô rất lớn lại chủ yếu là cho dân tộc Kinh, cho đạo Phật. Vậy điều này có làm cho các dân tộc khác, các đạo khác (đặc biệt là đồng bào và chức sắc đạo Thiên chúa) chạnh lòng không? Có ảnh hưởng tiêu cực đến chủ trương đại đoàn kết dân tộc không? Vai trò tham mưu của Bộ Văn hóa Thông tin du lịch, và Ban tôn giáo Chính phủ ở đâu? Phải chăng đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước vượt tầm nhìn của các cơ quan tham mưu?
Nhìn lại lịch sử
Phật giáo Viêt Nam nhất là Phật giáo ở miền Bắc đang trong giai đoạn phục hồi, sau giai đoạn bị “đánh tơi bời” thời cải cách ruộng đất. Tuy Phật giáo vào Việt nam trên 2000 năm nay nhưng Phật giáo Việt Nam vẫn là một nền Phật giáo trẻ, đang phát triển mạnh về lượng, chứ còn rất yếu về chất – cùng chung với trào lưu phục dựng hàng ngàn lễ hội mà báo chí đã viết nhiều.
Nhiều chùa, nhiều sư, nhiều phật tử nhưng chưa có một nền Phật giáo mạnh và lành mạnh. Hiện nay, có hiện tượng đua nhau xây chùa, xây các khu tâm linh, tín ngưỡng, rồi khai thác, thu lời. Không phải vô cớ mà trên ngay cả các báo chính thống của Nhà nước cũng có một loạt bài lên án việc lợi dụng này như: “Công ty chùa và giai cấp phú tăng”; ”Ồ ạt xây chùa kinh doanh-chủ đầu tư ngôi chùa lớn nhất thế giới tại Hà Nam thu lời như thế nào”?; “Kinh doanh văn hóa tâm linh phải xem đây là những dự án kinh tế”; “Tâm linh và nhiều hệ lụy không thể đong đếm”; “Xin các người hãy buông tha cho Yên Tử”; “ Đội quân giữ tiền công đức ở chùa Bái Đính”: “Đầu tư nạo vét sông Sao Khê Ninh Bình đội vốn lên 36 lần”; “Có hay không buông lỏng quản lý đầu tư luật nhân quả không từ một ai” vv…
Theo tôi hiểu, những cao tăng đức cao, vọng trọng khá ít ỏi như Sư Ông Thích Nhất Hạnh, Hòa thượng Thích Thanh Từ (các cụ cũng trăm tuổi cả rồi) mới cố thủ trong dòng phái của mình, chứ sân khấu chính của Phật giáo lại do những người khác còn rất xa với phẩm hạnh của các cụ chủ trì. Trong nội bộ giới Phật giáo cũng còn nhiều tam độc (Tham – Sân – Si) và nhiều chuyện phức tạp lắm. vv… Đó là chưa kể đến câu chuyện cài cắm người vào hệ thống sư sãi tạo ra một tầng lớp “sư giả” có thể góp phẩn làm hỏng Phật giáo – một thế giới lẽ ra không còn thế tục.
Buông lỏng quản lý
Việc phục hồi Phật giáo do chính quyền nhận ra không thể “đối đầu” với niềm tin tôn giáo như đã từng làm trong quá khứ. Thậm chí, chính quyền còn có vẻ thiên vị Phật giáo hơn các tôn giáo khác vì Phật giáo có vẻ an phận hơn, hiền lành hơn, và thậm chí chính quyền dễ “điều khiển” hơn. Nhiều vị quan chức cao cấp cũng rất “tín”. Nhiều sư tìm cách thu nạp đệ tử, tiếp cận các quan chức thông qua các “quan bà” vốn cũng rất “tín”. Nhiều sư trở nên bóng bẩy như các đại gia, và cũng tham gia chính sự như một thế lực ngầm. Xu hướng dịch chuyển từ “đối đầu” chuyển sang “nuông chiều” thái quá. Nhiều biểu hiện chưa đúng xung quanh việc xây chùa, lễ phật, lễ hội, dịch vụ cúng sao giải hạn… thường được bỏ qua.
Có lẽ các quy định pháp lý xung quanh câu chuyện Phật giáo của Nhà nước không được chặt chẽ nên quản lý nhà nước đang ở trạng thái “buông lỏng”, trong đó có câu chuyện khá tù mù về quyền sở hữu tài sản của chùa gồm cơ sở thờ tự, tiền công đức…. Riêng chủ đề này cũng cần có một khảo sát nghiên cứu riêng để đánh giá. Hiện tượng các đại gia bỏ tiền xây chùa và nhận những ưu đãi khủng từ phía Nhà nước điển hình như đại gia Xuân Trường bị công luận “chiếu tướng” cũng không có gì lạ!
Thế giới đang đầu tư cho cách mạng, công nghệ, giáo dục… trong khi tại VN lại có những dự án khủng cho một lĩnh vực mà lằn ranh giữa tâm linh và mê tín dị đoan là khá mỏng manh. Xem ra hướng phấn đấu của dân tộc ta đang rất có vấn đề.
Ngôi chùa truyền thống của VN là những ngôi chùa làng nhỏ, phục vụ nhu cầu tâm linh của cộng đồng ngôi làng ấy. Không phải vô cớ mà bao đời nay các đời Vua của ta không bao giờ cho xây chùa to cả. Vì chùa hoàn toàn do dân tự bỏ tiền và mua đất xây. Nhà nước cấp thì rất ít. Đấy là ngày xưa mình còn là đất rộng người thưa, nhưng bây giờ cấp hàng ngàn hecta thì thành ra vương phủ rồi. Từ góc độ văn hóa, những ngôi chùa quá khủng không phải là nét văn hóa tâm linh truyền thống của người Việt. Việc các dự án khủng này được chính quyền ưu đãi thực sự đáng đặt dấu hỏi.
Doanh nghiệp tư nhân đi làm chùa, sở hữu chùa, thu tiền công đức như Xuân Trường thật bất thường. Chùa là thiết chế tôn giáo khác với doanh nghiệp, nơi người ta trao gửi niềm tin, tâm linh. Doanh nghiệp có giàu cỡ nào mà muốn ủng hộ phật giáo thì cúng dường, dựng tượng… hoặc nếu có phát tâm xây chùa thì cũng là cúng dường – tài sản ấy nên được chuyển giao quyền sở hữu cho Phật giáo chứ không phải doanh nghiệp xấy chùa và sở hữu chùa.
Chùa và kinh doanh du lịch: Nếu đã có chùa sẵn rồi, du khách tâm linh kéo đến và doanh nghiệp phát triển cung cấp các dịch vụ phục vụ khách thì cũng bình thường. Đằng này là xây các cơ sở dịch vụ là chính, sau đó xây thêm một ngôi chùa vào đó để tăng yếu tố “tâm linh” là bất thường. Phật giáo là để giác ngộ chúng sinh chứ không phải là yếu tố phục vụ cho các cơ sở kinh doanh.
Việc cấp hàng ngàn ha đất tại Ninh Bình, Thái Nguyên, Hải Phòng… cho cho các doanh nghiệp tư nhân có biểu hiện rõ của lợi ích nhóm – nếu cho điều tra có khi lại trở thành các đại án. Tử chuyện quy hoạch, từ diện tích cần thiết để xây chùa quá nhỏ so với diện tích tổng thể đất được cấp, sự chồng chéo các dự án, các dự án đầu tư công… rất tù mù, rất thiếu minh bạch. Căn cứ nào cho việc cấp hàng ngàn ha đất cho các doanh nghiệp xây chùa như vậy?
Thay cho lời kết
Nhà bác học thiên tài Albert Einstain và Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều nhân vật nổi tiếng khác đều rất tin vào thượng đế. Trên mạng xã hội có câu nói rất đáng suy ngẫm “Các nhà khoa học tin vào thần thánh, thượng đế còn các nhà vô thần lại tin vào cácnhà khoa học“ để suy ra cách ứng xử cần thiết và đúng mực trong cuộc sống đời thường đối với cả quá khứ, hiện tại và tương lai.
Tín ngưỡng là nhu cầu hợp pháp và cần thiết cho một bộ phận dân chúng xã hội. Một số đại gia lợi dụng chính sách và có kẻ “chống lưng”, lấy nhiều đất côn, đất của dân, kể cả sử dụng nguồn ngân sách để đua nhau xây cơ sở hạ tầng phục vụ chính cho việc xây chùa chiền lớn, rồi thu lời, không ai kiểm soát nổi. Gieo gì gặt nấy, việc làm đó, gây ra trào lưu nhiều công dân trong xã hội không còn tin ở chính mình, ở Nhà nước, ở gia đình, ở nhà trường, ở bệnh viện…, mà chỉ thực tin và ngưỡng vọng, cầu cứu và biết ơn các thế lực siêu nhiên.
Tô Văn Trường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét