Đừng dối trá nếu (thật sự) muốn hoạt động dân chủ! (Nguyễn Trung Chính)

"Tổ Quốc Ăn Năn"  tay chơi khao khát !!
“…một lần nữa xin mạnh dạn gửi thông điệp sau đây đến cựu Thường trực THDCĐN Nguyễn Gia Kiểng: “Đừng dối trá nếu (thật sự) muốn hoạt động dân chủ!”…”

Đọc “Câu tr li ngn cho mt kết án dài” trên trang nhà Thông Luận (ethongluan.org) của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (THDCĐN) khiến những ai muốn khám phá sự thật và/hoặc có quan tâm đến hoạt động đấu tranh cho dân chủ phải tìm đọc bài báo có liên quan với tựa đề “Càng mạnh hơn sau thử thách” của tác giả Nguyễn Gia Kiểng trên một trang mạng khác (thongluan-rdp.org).
Chưa đủ, còn phải kiểm chứng và phân tích tỉ mỉ về các nhân vật và sự kiện nổi cộm.
Với cách tiếp cận vấn đề cẩn trọng như vậy thì mới đảm bảo có được cái nhìn không thiên vị
và mạnh dạn gửi đến ông Nguyễn Gia Kiểng thông điệp: “Đừng dối trá nếu (thật sự) muốn hoạt động dân chủ!”. Thông điệp này còn được đúc kết từ cuộc bàn luận trong cộng đồng mạng về “chất lượng hoạt động của phong trào dân chủ”. Nhà báo Phạm Đoan Trang phân loại “những nhà hoạt động dân chủ” thành bốn nhóm chính, kèm theo nhận xét “tệ hại nhất” là nhóm “coi hoạt động dân chủ là một cuộc làm ăn”. Có người lại cho rằng nhóm “coi hoạt động dân chủ là một cuộc mưu cầu quyền lực thời hậu cộng sản” mới là “tệ hại nhất” vì chỉ bao gồm “những nhà hoạt động dân chủ giả hiệu” với động cơ không trong sáng nhưng được ngụy trang bởi sự dối trá. Để góp phần đánh giá mức độ tệ hại của “những nhà hoạt động dân chủ giả hiệu”, xin đơn cử một trường hợp điển hình là ông Nguyễn Gia Kiểng (cựu Thường trực ban lãnh đạo THDCĐN). Những bằng chứng về sự dối trá của “nhà hoạt động dân chủ giả hiệu” Nguyễn Gia Kiểng, trích từ các bài nói hay bài viết, có thể cho phép viết một cuốn sách với độ dày hơn cả cuốn “Tổ Quốc Ăn Năn” nhưng bài viết này chỉ phân tích sự dối trá của đương sự với tư cách là tác giả bài xã luận “Càng mạnh hơn sau thử thách”.
1. Dối trá vì huyễn hoặc công luận về thực trạng của THDCĐN
Bài xã luận “Càng mạnh hơn sau thử thách” vẫn chỉ là một bài báo dạng “giật tít câu view” quen thuộc của “cây viết chính luận” Nguyễn Gia Kiểng. Mới đọc tựa đề đã thấy “hơi quen”, ví dụ như: “Thử Thách và Hy Vọng”, “Thành Công Thế Kỷ 21” hay “Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai”. Đó là các dự án chính trị “đi trước thời đại” do ông Nguyễn Gia Kiểng chắp bút rồi (cũng) được đưa ra thảo luận và biểu quyết bởi tập thể thành viên THDCĐN. Bởi vậy, bàn luận vội vàng về những tài liệu này e rằng sẽ xúc phạm đến những người ít nhiều có liên quan. Tuy nhiên, chẳng cần phải đắn đo nếu nhận xét ngay rằng cái tựa đề “Càng mạnh hơn sau thử thách” cũng na ná những phát ngôn đầy sự huyễn hoặc và kiêu căng: THDCĐN là “tổ chức chính trị duy nhất có dự án chính trị đúng đắn”, là “tổ chức chính trị mạnh nhất ở hải ngoại”, là “tổ chức chính trị duy nhất được coi là đối trọng với Đảng Cộng sản”, v.v và v.v. Đó chính là những câu “cửa miệng” của ông Nguyễn Gia Kiểng cùng một số người tôn sùng “chủ nghĩa nhất nguyên” mỗi khi họ “lên đồng tập thể”. Khi chọn tựa đề cho bài báo, ngoài chủ định “lên dây cót” tinh thần cho đám người không nỡ bỏ rơi mình hoặc vẫn còn theo mình (vì những lý do nào đó?), tác giả Nguyễn Gia Kiểng không chậm hiểu tới mức tự huyễn hoặc mà là tiếp tục huyễn hoặc công luận về thực trạng của THDCĐN. Nếu được chất vấn tác giả, chỉ xin nêu ba câu hỏi nhỏ: (i) Cái gọi là “thử thách” đó là gì? (ii) Dưới sự dẫn dắt của ông, THDCĐN đã trải qua bao nhiêu cuộc “thử thách”? (iii) THDCĐN thực sự “mạnh hơn” (hay yếu đi) sau những cuộc “thử thách”, đặc biệt là cuộc “thử thách” mới đây?
Vẫn biết rằng tác giả Nguyễn Gia Kiểng có năng khiếu hùng biện và ngụy biện bẩm sinh nhưng có lẽ ông ta sẽ không dễ dàng giải đáp ba câu hỏi trên đây (?!). Khó khăn đối với tác giả không phải vì khó tìm ra những câu trả lời đúng mà là không thể (hay không dám) bộc lộ sự thật. Thế nhưng, “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra” (What is done by night appears by day), ông Nguyễn Gia Kiểng không thể cứ tiếp tục dối trá để lừa bịp công luận được mãi! Cái mà ông ta gọi là “thử thách” thực chất là cuộc vận động cải tổ THDCĐN diễn ra vào cuối nhiệm kỳ 2014-2016 (từ đây gọi tắt là “Cuộc vận động cải tổ THDCĐN 2016”). Đây là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự thay đổi mang tính đột phá về cơ cấu tổ chức THDCĐN theo định hướng dân chủ đa nguyên nhằm “cởi trói” cho tư duy và hành động của mọi thành viên để nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng lủng củng, trì trệ và từng bước phát triển. Như vậy, không thể phủ nhận “cái được” đối với THDCĐN qua “Cuộc vận động cải tổ THDCĐN 2016” là rất lớn. Tuy nhiên, sự kiện này lại là “biến cố” tồi tệ đối với ông Nguyễn Gia Kiểng vì nó đã khiến ông ta gần như “trắng tay”. Bản thân ông ta bị bất tín nhiệm chức vụ Thường trực ban lãnh đạo vào thời điểm sắp mãn hạn nhiệm kỳ 5 (2014-2016); THDCĐN dưới sự dẫn dắt của ông ta suốt mấy chục năm qua bỗng chốc rơi vào tình trạng “tan đàn xẻ nghé”; những thành viên trung thành với lập trường dân chủ đa nguyên không còn cam chịu khuất phục “lãnh tụ độc tài” Nguyễn Gia Kiểng, quyết định sử dụng những biện pháp cứng rắn nhằm trị tận gốc “bệnh lãnh tụ”, đoạn tuyệt với mô hình tổ chức độc đoán nhất nguyên, mở ra một trang mới cho sự phát triển của THDCĐN.
THDCĐN đã thực sự lột xác, đang từng bước tự hoàn thiện để phát triển trong bối cảnh “Cuộc vận động cải tổ THDCĐN 2016” là điều không thể phủ nhận nhưng nó không hề “mạnh hơn” sau những lần “thử thách”. Về nguồn lực con người, THDCĐN bế tắc trong phát triển lực lượng, số lượng thành viên vào cuối nhiệm kỳ 5 (2014-2016) chỉ bằng 1/3 (một phần ba) so với lúc bắt đầu nhiệm kỳ 1 (2002-2004). Về nguồn lực vật chất, THDCĐN chưa có giải pháp đáng kể nào để tạo nguồn kinh phí cho hoạt động. Về hành động thực tiễn, THDCĐN không có sự hiện diện chính thức trong mọi hoạt động của phong trào dân chủ. Cho đến nay, hành trang duy nhất của THDCĐN chỉ bao gồm một số dự án chính trị nhưng lại bị vô hiệu hóa bởi Quy ước Sinh hoạt. Tóm lại, THDCĐN không “mạnh hơn” mà ngày càng suy yếu đi, sau trên ba mươi năm vẫn chỉ có tầm vóc khiêm tốn của một câu lạc bộ chính trị (political club). Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng bi đát này là do ông Nguyễn Gia Kiểng không biết xác định mục tiêu và tầm nhìn để đề ra các chương trình và kế hoạch hành động cho THDCĐN ở từng giai đoạn. Thực chất, ông Nguyễn Gia Kiểng chỉ là người giỏi “lý luận xuông” chứ không có “đầu óc thực tiễn”, chỉ có năng khiếu hùng biện và ngụy biện thay vì có viễn kiến chính trị và tầm vóc của “người lãnh đạo”. Vài nét chấm phá như vậy đủ cho thấy sự dối trá của tác giả Nguyễn Gia Kiểng ngay từ việc chọn tựa đề cho bài xã luận “Càng mạnh hơn sau thử thách”.
2. Dối trá vì mạo danh tổ chức
Bạn đọc có thể nhầm lẫn bởi sự hiện diện đồng thời hai trang mạng có cùng thành tố “thongluan” trong tên miền, đó là ethongluan.org (tức “trang mạng Thông Luận truyền thống”) và thongluan-rdp.org (được những người chủ trương gọi là “trang mạng Thông Luận mới”). Hiện tượng này là một trong các hệ qủa của “Cuộc vận động cải tổ THDCĐN 2016”; khối “chủ trương cải tổ” (được hiểu là khối “cấp tiến” hay khối “đa nguyên”) tiếp tục duy trì trang mạng ethongluan.org nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc; nhóm “chống cải tổ” (được hiểu là nhóm “phản bội lập trường dân chủ đa nguyên” hay nhóm “nhất nguyên”) mất quyền kiểm soát trang mạng ethongluan.org, đành phải tìm cách thiết lập một trang mạng mới để có thể tiếp tục đánh bóng “lãnh tụ” Nguyễn Gia Kiểng, ngụy biện cho lập trường nhất nguyên và xuyên tạc mục đích, ý nghĩa của chủ trương cải tổ.
Theo giới quan sát, trang mạng thongluan-rdp.org vừa là “con đẻ”, vừa là phương tiện có ý nghĩa “sống còn” của ông Nguyễn Gia Kiểng trong cuộc đeo đuổi “giấc mơ lãnh tụ”. Nhận định này không sai đối với thực trạng hoạt động của THDCĐN. Ngoài khoản tiền “hỗ trợ quốc nội” hàng năm rất khiêm tốn, việc duy trì được trang mạng ethongluan.org  bằng chứng duy nhất chứng tỏ THDCĐN còn tồn tại  còn hoạt động. Hơn nữa, từ nhiều năm qua, bài vở của tác giả Nguyễn Gia Kiểng cũng chỉ được đăng bởi “trang nhà ethongluan.org (và Báo điện tử Tổ Quốc, nay đã đình bản) còn hầu như vắng bóng trên mọi phương tiện truyền thông khác, trừ vài ba lần (nghe đồn rằng) ông Nguyễn Gia Kiểng “phải trả tiền để được phỏng vấn” bởi nhà báo Trần Quang Thành - phóng viên Tiếng Dân Việt Media). Thế rồi, trong bối cảnh “Cuộc vận động cải tổ THDCĐN 2016”, nhóm “chống cải tổ” do ông Nguyễn Gia Kiểng cầm đầu lại mất quyền kiểm soát trang mạng ethongluan.org và chỉ có thể sử dụng facebook để trao đổi ý kiến, bài vở. Nghe đồn rằng phương tiện truyền thông này ít nhiều đã giúp ông Nguyễn Gia Kiểng tổ chức thành công vụ “Bầu cử cơ cấu lãnh đạo nhiệm kỳ 6” để thỏa mãn ham muốn chức “Thường trực” nhưng chắc chắn nó không thể giúp ông ta chứng tỏ với công luận rằng cựu Thường trực ban lãnh đạo THDCĐN vẫn tồn tại.
Tất cả những điều vừa nêu trên đây là lý do khiến ông Nguyễn Gia Kiểng phải bằng mọi giá thiết lập một trang mạng. Nhờ sự tiếp tay của một chuyên gia mạng (webmaster) ở bên ngoài, rốt cuộc ông ta cũng đã có được trang mạng thongluan-rdp.org. Tuy nhiên, đó không phải là trang mạng của THDCĐN mà là của nhóm “chống cải tổ”, đúng hơn là của ông Nguyễn Gia Kiểng. THDCĐN chỉ sở hữu một trang mạng duy nhất (được coi là “trang nhà” hay “trang mạng Thông Luận truyền thống”) với tên miền quen thuộc  ethongluan.org. Việc những người chủ trương thiết lập trang mạng thongluan-rdp.org đưa thành tố “thongluan” vào tên miền chỉ là hành vi “lập lờ đánh lận con đen” (to play cat and mouse) khiến bạn đọc ngộ nhận. Cũng bởi vậy, việc họ công bố rằng thongluan-rdp.org là “trang mạng Thông Luận mới” đồng nghĩa với hành vi mạo danh tổ chức (THDCĐN) trong lĩnh vực truyền thông.                      
3. Dối trá vì mạo chức danh
nguyengiakieng07
Rất khó hiểu dụng ý của người biên tập trang mạng thongluan-rdp.org khi chọn hình minh họa và nêu chức danh tác giả cho bài “Càng mạnh hơn sau thử thách” ở mục xã luận?! Người có mái tóc hãy còn khá dày và đen trong hình đâu phải “Nguyễn Gia Kiểng ở thế kỷ 21” để có thể là Thường trực ban lãnh đạo THDCĐN?(*) Mà dù có “phải” đi chăng nữa, chức danh này cũng đâu còn gắn với cái tên Nguyễn Gia Kiểng kể từ ngày 01/12/2016?
Sự thật là ông Nguyễn Gia Kiểng đã bị phế truất khỏi chức vụ Thường trực ban lãnh đạo THDCĐN nhiệm kỳ 5 (2014-2016) vì những lý do được nêu trong “Tuyên bố bất tín nhiệm Thường trực THDCĐN nhiệm kỳ 2014-2016”. Những sáng lập viên và thành viên THDCĐN còn ra thông báo chấm dứt mọi sự cộng tác với ông Nguyễn Gia Kiểng sau khi ông ta đã trở thành cựu Thường trực ban lãnh đạo THDCĐN. Nghe đồn rằng ông Nguyễn Gia Kiểng đã thành công trong việc lôi kéo, thuyết phục để huy động một số cử tri “bất đắc dĩ” tham gia vào cái gọi là “Bầu cử cơ cấu lãnh đạo nhiệm kỳ 6” và trước công đoạn “phổ thông đầu phiếu” (để thông qua chức vụ “Thường trực ban lãnh đạo”) ông ta giãi bày “Ước mong thành khẩn và tha thiết nhất của tôi là đây sẽ là nhiệm kỳ Thường trực cuối cùng của tôi…”. Liệu những người “trong cuộc” có thể tin lời hứa này nếu đã từng nghe ông Nguyễn Gia Kiểng “thành khẩn và tha thiết” lặp lại một đề nghị vào cuối các nhiệm kỳ “Tôi làm thêm một nhiệm kì nữa”? Cho dù họ tin hay không tin, ông Nguyễn Gia Kiểng cũng chỉ có thể được nhóm “chống cải tổ” (hay nhóm “nhất nguyên”) suy tôn là “Thường trực” chứ không còn cơ hội được (bầu) là “Thường trực ban lãnh đạo THDCĐN”. Được biết, cùng với việc hủy bỏ Quy ước Sinh hoạt, chức danh này không còn tồn tại trong cơ cấu tổ chức THDCĐN. Phải chăng người biên tập trang mạng thongluan-rdp.org đã rất vụng về hoặc cố tình “chơi xấu” tác giả khi chọn hình minh họa cho bài báo của ông Nguyễn Gia Kiểng? Dẫu sao đi nữa, việc gắn cái tên Nguyễn Gia Kiểng với chức danh “Thường trực ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên” ở cuối bài báo vẫn là hành vi mạo chức danh đáng xấu hổ trong lĩnh vực báo chí.
4. Dối trá vì cố tình xuyên tạc lịch sử
Bề dày lịch sử trên ba chục năm vốn là một trong những niềm tự hào của THDCĐN. Tuy nhiên, phải chờ đến ngày 10/01/2017 mới xuất hiện tài liệu đầu tiên về lịch sử THDCĐN với tựa đề “Tiến trình hình thành Tp Hp Dân Ch Đa Nguyên”, trình bày vắn tắt những dấu mốc và sự kiện lịch sử quan trọng của THDCĐN (từ giai đoạn phôi thai với các tổ chức tiền thân đến cuối năm 2016). Đây là một công trình nghiên cứu tập thể và công phu, được thực hiện bởi những thành viên kỳ cựu và tâm huyết cùng với sự hỗ trợ đắc lực của Ban Quản Thủ Thư Khố. Họ đã tự nguyện hy sinh thời gian và công sức để sưu tầm nhiều thông tin, tư liệu còn ít được biết đến về THDCĐN rồi ghi lại những bước đi quan trọng của THDCĐN theo trình tự thời gian. Phần giới thiệu các dự án chính trị (được khởi thảo từ đầu những năm 1990 bởi “Phong trào Dân chủ Đa nguyên” rồi dần dần được tu chỉnh và hoàn thiện bởi THDCĐN) đã phản ánh nỗ lực của THDCĐN trong quá trình tìm kiếm giải pháp nhằm đưa Việt Nam vào kỷ nguyên dân chủ đa nguyên, hòa nhịp cùng sự tiến bộ chung của thế giới, mưu cầu hạnh phúc cho người Việt Nam. Mặc dù nội dung còn khiêm tốn, “Tiến trình hình thành Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên” thực sự là một tài liệu tham khảo rất hữu ích cho các công trình nghiên cứu trong tương lai về THDCĐN với cách tiếp cận toàn diện hơn và công phu hơn.
Sự thiếu vắng tài liệu về lịch sử THDCĐN phản ánh thiếu sót của các thế hệ lãnh đạo THDCĐN, đặc biệt là ông Nguyễn Gia Kiểng (nhân vật đồng sáng lập và liên tục giữ chức vụ lãnh đạo cao nhất trong nhiều nhiệm kỳ). Bởi vậy, ông Nguyễn Gia Kiểng phải xin lỗi và biết ơn những người biên soạn “Tiến trình hình thành Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên” vì họ đã tự nguyện thực hiện công việc mà đúng ra ông ta phải làm nhưng đã không làm (vì tắc trách) hoặc không làm được (vì những lý do nào đó). Đáng tiếc là ông Nguyễn Gia Kiểng đã không chỉ không đọc kỹ tài liệu này mà còn cố tình xuyên tạc động cơ của các tác giả. Vì không đọc kỹ “Tiến trình hình thành Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên” nên ông Nguyễn Gia Kiểng đã trích dẫn không đúng (sai một chữ, thừa một chữ) ngay cả tựa đề của tài liệu thành “lịch trình hình thành của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên” (nguyên văn)?! Tệ hại hơn, các tác giả còn bị ông Nguyễn Gia Kiểng quy kết “xuyên tạc về Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên” (nguyên văn).
Thái độ và hành vi của ông Nguyễn Gia Kiểng trong trường hợp này là không thể chấp nhận và nó bắt nguồn từ “cái tôi” (ego) quá lớn. Với biệt tài hùng biện nhằm “tự đánh bóng”, ông Nguyễn Gia Kiểng đã thành công trong việc ngụy tạo hình ảnh và vai trò cá nhân, vừa như là nhân vật “khai quốc công thần”, vừa “không thể thiếu” hoặc “không thể thay thế” đối với sự hình thành và tồn tại của THDCĐN. Điều này còn được cộng hưởng bởi “hiệu ứng Tổ Quốc Ăn Năn” khiến cho không ít người “đồng nhất hóa” ba cái tên “Nguyễn Gia Kiểng”, “Thông Luận” và “THDCĐN”. Chỉ tới khi “Tiến trình hình thành Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên” được công bố thì người ta mới biết rằng ông Nguyễn Gia Kiểng chỉ là một trong số các sáng lập viên THDCĐN và nhóm chủ trương làm báo Thông Luận (hay “nhóm Thông Luận” theo cách gọi của công luận) cũng chỉ là một trong số các thực thể cấu thành THDCĐN ngày nay. Khi sự thật về lịch sử hình thành THDCĐN được làm sáng tỏ cũng là lúc sự dối trá trước đó về vấn đề này của ông Nguyễn Gia Kiểng bị phơi bày. Có lẽ vì quá tức tối, ông Nguyễn Gia Kiểng đã không đủ bình tĩnh để đọc kỹ “Tiến trình hình thành Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên”? Vậy thì, liệu có đáng tin những điều ông Nguyễn Gia Kiểng viết huyên thuyên về những gì liên quan đến tài liệu “Tiến trình hình thành Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên” và những người biên soạn tài liệu này? Phải chăng việc ông Nguyễn Gia Kiểng gán cho họ “xuyên tạc về Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên” chỉ là cố tình lấp liếm hành vi “xuyên tạc lịch sử” bấy lâu nay của chính ông ta? Nếu vậy, tác giả Nguyễn Gia Kiểng không chỉ bạc bẽo, vô ơn mà đúng là rất dối trá!
5. Dối trá vì xuyên tạc “Cuộc vận động cải tổ THDCĐN 2016
THDCĐN đã và đang chứng kiến một sự thay đổi về chất bởi “Cuộc vận động cải tổ THDCĐN 2016”. Tầm vóc và ý nghĩa của sự kiện này được đánh giá rất khác nhau, tùy theo cách tiếp cận vấn đề của người trong cuộc cũng như của giới quan sát. Người có cái nhìn tích cực thì khẳng định đây là bước ngoặt đánh dấu sự chuyển mình của THDCĐN. Người có cái nhìn tiêu cực thì cho rằng đây là biến cố khủng hoảng đe dọa sự tồn vong của THDCĐN. Một số phần tử bảo thủ và cực đoan bị chi phối bởi ông Nguyễn Gia Kiểng lại ra sức chống phá xu hướng cải tổ bằng nhiều âm mưu và thủ đoạn; đặc biệt là hành vi xuyên tạc bản chất của “Cuộc vận động cải tổ THDCĐN 2016” với các từ ngữ mang nghĩa xấu như “đảo chính”, “ly khai”, “phản loạn”, v.v. Chỉ riêng trong bài “Càng mạnh hơn sau thử thách”, tác giả Nguyễn Gia Kiểng đã 2 lần sử dụng từ “ly khai” và 9 lần sử dụng từ “phản loạn” để gán cho động cơ của những người chủ trương cải tổ THDCĐN.
Quả thực “Câu trả lời ngắn cho một kết án dài” của người thay mặt Ban Điều hợp và toàn thể thành viên THDCĐN là quá ngắn để phản biện những điều vu khống “tràng giang đại hải” của tác giả bài xã luận “Càng mạnh hơn sau thử thách”. Có thể cảm thông với sự kiệm lời này của “người trong cuộc” nếu họ nhận thấy không cần thiết phải phản bác dài dòng những luận điệu vu khống rẻ tiền và lố bịch của ông Nguyễn Gia Kiểng hoặc không muốn nói nhiều về mình với triết lý “hữu xạ tự nhiên hương”. Là “người ngoài cuộc” thì có thể bàn luận vấn đề một cách thoải mái hơn, miễn sao không thiên vị. Tính chất phức tạp, tầm vóc và ý nghĩa của “Cuộc vận động cải tổ THDCĐN 2016” đòi hỏi phải cần đến vài ba trăm trang giấy mới đủ để mô tả và phân tích toàn bộ diễn biến của sự kiện. Đó là công việc rất nên làm để đúc rút bài học kinh nghiệm thực tiễn cho hoạt động của phong trào dân chủ. Một cách vắn tắt, không thể phủ nhận “Cuộc vận động cải tổ THDCĐN 2016” là một “biến cố” vì sự kiện này đã tác động mạnh mẽ đến mọi bình diện của THDCĐN, đặc biệt là nhân sự và cơ cấu tổ chức; tuy nhiên, cũng không nên quan niệm đó là “biến cố khủng hoảng” (vì những hệ quả xáo trộn trước mắt) mà là “biến cố bất khả kháng” đồng thời cũng là “bước ngoặt” quan trọng (đánh dấu sự chuyển mình của THDCĐN). Mục tiêu cải tổ THDCĐN rất rõ ràng, đó là tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá về cơ cấu tổ chức theo định hướng dân chủ đa nguyên nhằm “cởi trói” cho tư duy và hành động của mọi thành viên để nhanh chóng đưa THDCĐN thoát ra khỏi tình trạng lủng củng, trì trệ và từng bước phát triển.
Nếu khuôn khổ của một bài viết không cho phép trình bày toàn cảnh “Cuộc vận động cải tổ THDCĐN 2016” thì cũng nên phân tích sơ bộ luận điệu của tác giả bài xã luận “Càng mạnh hơn sau thử thách” về cái gọi là “cuộc phản loạn” cùng “những người chủ mưu”. Những ai đã nhận rõ chân dung đích thực của “nhà chính trị hùng biện” Nguyễn Gia Kiểng đều dễ dàng nhận ra đó chỉ là trò hề vu khống quen thuộc, hạ cấp và rẻ tiền của đương sự mà thôi. Trong bài viết, tác giả như người mộng du khi kể lể huyên thuyên hàng tá tình tiết giật gân và nặng mùi giả tưởng hoặc hư cấu như trong truyện trinh thám nhằm huyễn hoặc người đọc, đưa họ vào ma trận của những chiêu thức lừa bịp cũ rích. Đáng tiếc là sở trường hoạt ngôn và lộng ngôn cũng như biệt tài hùng biện và ngụy biện “xưa như trái đất” của tác giả đã tỏ ra không còn hiệu nghiệm giúp ông ta che giấu sự dối trá đã trở thành bản chất.
Không thể phủ nhận rằng trong THDCĐN có “yếu tố cộng sản” hay có “sự hiện diện của cộng sản”. Thứ nhất, trên nguyên tắc, THDCĐN không phân biệt “quá khứ chính trị” trong phát triển lực lượng. Thứ hai, trên thực tế, ông Nguyễn Gia Kiểng là người rất quan tâm và rất tích cực trong việc phát hiện, móc nối và thâu nạp những đảng viên (hoặc cựu đảng viên) cộng sản vào đội ngũ thành viên THDCĐN (100% đối tượng này đều do ông Nguyễn Gia Kiểng kết nạp). Thứ ba, quy trình phát triển lực lượng của THDCĐN rất tùy tiện và bộc lộ nhiều sơ hở, luôn mở rộng cửa để “an ninh cộng sản” có thể đưa người của họ vào THDCĐN nếu họ muốn. Thứ tư, ông Nguyễn Gia Kiểng thường tận dụng mọi cơ hội có thể cho phép ông ta tạo dựng các mối liên hệ mang tính cá nhân với những người thuộc thành phần (hoặc có quan hệ thân thuộc với) cộng sản. Còn nhiều lý do khác nữa lý giải có “yếu tố cộng sản” hay có “sự hiện diện của cộng sản” trong THDCĐN. Tuy nhiên, nếu quả thực có “an ninh cộng sản nằm vùng” trong THDCĐN thì họ sẽ ủng hộ ông Nguyễn Gia Kiểng để chống phá chủ trương cải tổ THDCĐN. Đơn giản là vì điều này sẽ duy trì tình trạng nội bộ lủng củng, hoạt động èo uột hay “thùng rỗng kêu to” của THDCĐN như trong hơn ba chục năm qua để cho phép họ (cộng sản) rảnh tay lo chuyện khác (?!). Bởi vậy, việc ông Nguyễn Gia Kiểng gán cho những người chủ trương cải tổ THDCĐN là “phản loạn” và bị cộng sản mua chuộc”, “khống chế” hay “giật dây” chỉ sự vu khống ấu trĩ, rẻ tiền kiểu con nít. Những ai thực sự quan tâm đến THDCĐN đều phải thấy rằng nó vẫn luôn luôn chỉ là một “câu lạc bộ chính trị” sinh hoạt theo lối “văn hoá làng xã” sau 34 năm tồn tại, đâu có đáng là đối tượng để cộng sản phải quan tâm và phá hoại?! Thiển nghĩ, nếu trong số những người hiện còn đi theo “lãnh tụ” Nguyễn Gia Kiểng có ai đó khá hơn ông ta một chút về nhận thức và sự liêm sỉ thì không thể không xấu hổ về tầm vóc vị “lãnh tụ” của mình?!
Để rộng đường dư luận, xin đơn cử một ví dụ về hành động huyễn hoặc (để tự đánh bóng) kết hợp với hành động vu khống (để bôi nhọ người khác) của ông Nguyễn Gia Kiểng về cái gọi là THDCĐN bị đánh phá bởi cộng sản. Nạn nhân trong trường hợp này là ông Vũ Thư Hiên (tác giả cuốn hồi ký nổi tiếng “Đêm giữa ban ngày”). Ai cũng biết rằng việc ông Nguyễn Gia Kiểng áp đặt cơ chế tổ chức theo Quy ước Sinh hoạt là lý do chủ yếu khiến hàng chục thành viên kỳ cựu ở Paris rời bỏ THDCĐN vào đầu nhiệm kỳ 1 (2002-2004). Thế mà, trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ này, ông Nguyễn Gia Kiểng lại sử dụng tài ngụy biện để lấp liếm lỗi lầm của mình bằng cách vu khống ông Vũ Thư Hiên như sau:
“…Vũ Thư Hiên, mà các chí hữu trong ban lãnh đạo và văn phòng đã biết rõ động cơ và con người, đã lợi dụng sự quen biết với chúng ta vận động một số chí hữu và thân hữu chống tổ chức. Hắn xuyên tạc để hạ chia rẽ chúng ta với anh em trong nước, kể cả phao đồn là Tập Hợp đã tan rã. Tại hải ngoại, hắn phao đồn với các thân hữu, và ngay cả một số chí hữu, là Tập Hợp đã mất hết tin tưởng của anh em trong nước. Hắn cũng bịa đặt trắng trợn nhiều chuyện để ly gián anh em chúng ta.” (hết trích).
Hành động vu khống hèn hạ trên đây của ông Nguyễn Gia Kiểng ngay lập tức bị ông Bùi Tín (cựu thành viên THDCĐN) và một số thành viên khác phản đối kịch liệt. Nhân biến cố vừa xảy ra với THDCĐN, ông Vũ Thư Hiên mới chính thức lên tiếng phản bác hành động vu khống của ông Nguyễn Gia Kiểng.
Theo một cựu thành viên THDCĐN, trong điện thư trao đổi trên một diễn đàn dân chủ có uy tín ngày 04/12/2016, ông Vũ Thư Hiên viết:
“… Tôi không biết gì về tác giả Kha Tú Mỡ. Vì trong bài viết của ông ta có nhắc tới tên tôi, rằng tôi là thành viên của cái gọi là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, cho nên tôi buộc phải lên tiếng để tránh mọi hiểu lầm.
1/ Tôi không hề là thành viên của cái tổ chức ấy. Không bao giờ.
2/ Nguyễn Gia Kiểng và những người theo ông ta không mệt mỏi tung tin “Vũ Thư Hiên là tình báo cộng sản”. Những người trong tổ chức này ắt nhớ chuyện này. Cho tới năm ngoái Nguyễn Gia Kiểng vẫn còn tiếp tục luận điệu đó trong những cuộc họp mặt ở Mỹ (tôi có lưu những e-mails của bè bạn báo cho tôi biết việc này)” (hết trích).
Trong một bình luận (comment) trên facebook ngày 14/12/2016, ông Vũ Thư Hiên viết:
Thư Hiên Vũ Nói thật, các bạn đừng giận. Hầu hết những người có mặt đầu tiên trong nhóm Thông Luận là bạn tôi. Tôi yêu mến và kính trọng lòng yêu nước trong sáng của họ. Gọi là “nhóm”, nhưng nhóm này còn đông hơn nhiều cái gọi là THDCĐN về sau. Tôi không ưa được cái tập hợp này khi Nguyễn Gia Kiểng huy động nó để “tố cáo” tôi là “tình báo cộng sản”. Vì thế, tôi mừng thấy các bạn muốn khôi phục lại ý nghĩa chính đáng của tổ chức ấy. Các cụ xưa có câu: “đắm đò, giặt mẹt” nghĩa là nhân thể chuyện lớn đã xảy ra “đắm đò“ thì làm luôn chuyện nhỏ “giặt mẹt”. Nên chăng thay luôn cái tên THDCĐN bằng một cái tên khác, nội dung được cải tổ?” (hết trích).
Thay cho lời kết
Với bài xã luận “Càng mạnh hơn sau thử thách”, tác giả Nguyễn Gia Kiểng tiếp tục sử dụng sở trường hoạt ngôn và lộng ngôn để vừa giả vờ là nạn nhân với hy vọng được công luận “thương hại”, vừa xuyên tạc bản chất của “Cuộc vận động cải tổ THDCĐN 2016” nhằm “đánh bùn sang ao” nhưng kết cục là “gậy ông đập lưng ông”. Việc tác giả rêu rao “Trong 34 năm hoạt động Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chưa bao giờ nói dối…” chỉ đồng nghĩa với hành vi “có tật giật mình” hay “không khảo mà xưng”. Nếu như trang mạng thongluan-rdp.org được coi là sân khấu mới để ông Nguyễn Gia Kiểng phô diễn các năng khiếu hùng biện, ngụy biện và nói dối bẩm sinh nhằm tiếp tục huyễn hoặc công luận thì nó đã vô tình bị ông ta bức tử ngay khi vừa mới khai trương. Sự dối trá của tác giả được bộc lộ qua bài xã luận cũng thể hiện sự vi phạm đạo đức của người cầm bút, trong khi cuốn “Tổ Quốc Ăn Năn” của ông ta đã và đang gây tranh cãi cả về hình thức, nội dung lẫn nghi vấn đạo văn. Cũng với bài xã luận này, “nhà hoạt động dân chủ giả hiệu” Nguyễn Gia Kiểng còn bồi thêm một nhát cuốc tự đào mồ chôn sự nghiệp chính trị của mình. Bởi vậy, một lần nữa xin mạnh dạn gửi thông điệp sau đây đến cựu Thường trực THDCĐN Nguyễn Gia Kiểng: “Đừng dối trá nếu (thật sự) muốn hoạt động dân chủ!”.
Paris,15/03/2017
Nguyễn Trung Chính
 Home

Không có nhận xét nào: