”...Phải chăng Bắc Hàn như một đứa bé ngỗ nghịch nhất xóm, vừa quậy nhà mình vừa phá nhà hàng xóm khiến mọi người chẳng dám hi vọng đứa bé ấy có thể trở thành con ngoan trò giỏi gì, mà chỉ mong đứa bé ấy thành một Việt Nam thứ hai, bản tính có thể không thay đổi nhưng khi được cho kẹo thì chỉ quậy nhà mình thôi còn để hàng xóm làng giềng được yên thân, là đã tốt lắm rồi?..”
Nguồn ảnh: The Locals Advertising Agency Vietnam
Hoàn toàn có thể hiểu được niềm phấn khích của nhiều người Việt khi Hội nghị Thượng định Trump-Kim được tổ chức ở Hà Nội lần này bởi đã lâu rồi Việt Nam mới đóng một vai trò nào đó trên sân khấu chính trị quốc tế.
Công bằng mà nói, cảm xúc này của công chúng đáng được trân trọng bởi lẽ sâu xa nó phản ánh khát vọng của một dân tộc trăm triệu dân muốn thoát khỏi thân phận tầm gửi luôn dựa vào sự giúp đỡ của quốc tế để vươn lên có một địa vị nào đó trên thế giới và nhận được sự tôn trọng từ cộng đồng quốc tế nhờ góp phần giải quyết những vấn đề của nhân loại.
Hân hoan một chút như thế cũng tốt, nhưng dĩ nhiên không nên để cảm xúc dẫn chúng ta đi xa quá.
Nhất là khi nhìn vào lý do mà Việt Nam được chọn đăng cai hội nghị lần này.
Bên cạnh việc thuận tiện về hậu cần đi lại, còn có một hậu ý chính trị mà cả đôi bên, Hoa Kỳ và Bắc Hàn đều không hề giấu giếm.
Với Bắc Hàn, Việt Nam có thể là một mô hình đáng tham khảo, dù cải tổ kinh tế và hội nhập quốc tế song đảng cộng sản vẫn cầm trịch xã hội. Với Mỹ và cộng đồng quốc tế, việc Bắc Hàn trở thành một Việt Nam thứ hai hẳn không phải là lựa chọn tồi, nếu không muốn nói là khá lý tưởng, bởi chỉ bằng việc cho phép Triều Tiên hội nhập và mở mang kinh tế, thế giới sẽ bớt đi một nỗi lo hạt nhân.
Tóm lại, Việt Nam được các bên chọn làm tấm gương cho Bắc Hàn noi theo.
Nhưng lưu ý rằng không phải lúc nào được chọn làm gương cũng đáng tự hào. Câu hỏi đặt ra là vì sao Việt Nam không được chọn làm gương cho các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, hay ngay cả là Philippines, Cambodia, Myanmar, mà chỉ là cho Bắc Hàn - một thảm họa cả về kinh tế lẫn nhân quyền?
Phải chăng Bắc Hàn như một đứa bé ngỗ nghịch nhất xóm, vừa quậy nhà mình vừa phá nhà hàng xóm khiến mọi người chẳng dám hi vọng đứa bé ấy có thể trở thành con ngoan trò giỏi gì, mà chỉ mong đứa bé ấy thành một Việt Nam thứ hai, bản tính có thể không thay đổi nhưng khi được cho kẹo thì chỉ quậy nhà mình thôi còn để hàng xóm làng giềng được yên thân, là đã tốt lắm rồi?
Mà nếu thế thì có gì đáng tự hào? Nhất là với một dân tộc đã trăm triệu dân.
Chỉ khi Việt Nam có kinh tế phát triển vượt bậc đi kèm với pháp trị được củng cố, dân chủ được thúc đẩy, nhân quyền được tôn trọng, như những gì đã xảy ra ở Nhật Bản (Sự Thần kỳ Nhật Bản), Hàn Quốc (Kỳ tích sông Hán), hay Đài Loan (Kỳ tích Đài Loan), làm tấm gương cho đa số các quốc gia trên thế giới, thì có lẽ chúng ta mới có nhiều lý do hơn để tự hào.
Nguyễn Anh Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét