”...Có một chính phủ như thế phía sau, Huawei muốn thua cũng… khó! Trở ngại có thể là lớn nhất – cộng đồng sử dụng dịch vụ viễn thông - đang và sẽ được hệ thống truyền thông chính thức dẫn dắt từ vụ án mạng này đến vụ ly hôn khác! Đâu còn gì đáng phải bận tâm...”
Công an tỉnh Gia Lai vừa tuyên bố, Phòng An ninh kinh tế của công an tỉnh này không phải là nơi soạn - phát hành công văn mang số 42/PA04 (1).
Trong vài ngày gần đây, người sử dụng mạng xã hội tại
Việt Nam đã chuyển cho nhau xem công văn được cho là của Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Gia Lai gửi lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh, cho biết, khi kiểm tra các thiết bị điện tử mà nước ngoài tặng, Bộ Công an Việt Nam phát giác một số yếu tố gây mất an ninh, an toàn thông tin, đặc biệt là một số điện thoại di động có nguồn gốc từ Trung Quốc do Tập đoàn Hoa Vĩ (Huawei) sản xuất có thể thu thập toàn bộ thông tin của người sử dụng cũng như thông tin trong điện thoại di động của họ, bí mật ghi âm,… rồi tự động chuyển cho máy chủ ở Trung Quốc, Singapore.
Đó cũng là lý do Phòng An ninh kinh tế của Công an tỉnh Gia Lai yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp ở tỉnh này loan báo rộng rãi cho nhân viên cảnh giác khi sử dụng điện thoại di động, các thiết bị viễn thông có xuất xứ từ Trung Quốc, các thiết bị kỹ thuật thông tin, liên lạc được nước ngoài tài trợ, tặng,… Không sử dụng micro vô tuyến, điện thoại di động, thiết bị có tính năng ghi âm, thu phát tín hiệu (nhất là các thiết bị có nguồn gốc từ Trung Quốc) trong các cuộc họp có nội dung cần bảo mật. Không trao đổi thông tin có nội dung cần bảo mật qua bộ đàm, điện thoại di động, máy fax, trên Internet dưới bất kỳ loại hình dịch vụ nào (2).
Cho dù Công an tỉnh Gia Lai khẳng định công văn mang số 42/PA04 là giả nhưng nguy cơ tiệm cận vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc vẫn thật và còn nguyên vẹn...
***
Tuần trước, nhiều người Việt ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam choáng váng khi Nikkei Asian Review – một tờ báo ở Nhật, công bố nội dung cuộc phỏng vấn ông Fine Fan, Giám đốc Điều hành Chi nhánh Việt Nam của Huawei. Cho dù tẩy chay Huawei đang là phong trào lan rộng trên toàn cầu nhưng ông Fan nhấn mạnh niềm tin, Huawei sẽ được Việt Nam chọn để cung cấp nền tảng cho mạng 5G. Theo ông Fan, Huawei sẽ thắng tại Việt Nam vì sẽ cung cấp cả công nghệ lẫn tài chính cho các công ty viễn thông Việt Nam.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã loan lại tin này kèm một cuộc thăm dò ý kiến: Bạn có muốn Huawei thắng thầu cung cấp thiết bị 5G ở Việt Nam hay không? 95% trả lời không (3).
Đó là phản ứng trên hệ thống truyền thông chính thức do hệ thống công quyền Việt Nam kiểm soát, còn trên mạng xã hội, khá nhiều người giải thích cặn kẽ tại sao. Chẳng hạn Nguyen Tien Bao gọi đó là “giao trứng cho ác, giao quốc gia cho giặc” chỉ vì Huawei bỏ thầu giá rẻ và giao “phong bì dày cho các cụ” (4). Vu Kim Hanh thì liên tưởng giữa tuyên bố của ông Fan với thời điểm kỷ niệm tròn 40 năm cuộc chiến ở biên giới Việt – Trung. Bà đặt vấn đề, tại sao Hoa Kỳ, Cộng đồng châu Âu, Úc, New Zealand,… lần lượt chặn Huawei vì sợ bị trộm cắp thông tin, bí mật, kèm nhận định, sau 40 năm, cần phải nghĩ khác về cách thức bảo vệ tổ quốc (5)…
Giang Công Thế - một chuyên gia về công nghệ thông tin, viễn thông – nhấn mạnh lý do khiến Huawei đang gặp đại nạn: Chính phủ nhiều quốc gia nghi ngờ Huawei là gián điệp của chính phủ Trung Quốc. Ông Thế nhắc thêm, Trong 12 năm qua, Huawei và ZTE (một tập đoàn công nghệ khác cũng của Trung Quốc) nổi tiếng toàn cầu vì hối lộ hoặc cung cấp tài chính có màu sắc chính trị. Ông Thế lưu ý, cục diện hiện nay không cần xua 600 ngàn quân tràn qua biên giới mà chỉ là một cái ngắt giữa bít 0 và 1. Đó là lý do thiên hạ thà “giét nhầm còn hơn là bỏ sót” Huawei nhất là khi điều đó liên quan tới an ninh quốc gia. Chọn Huawei hay không giờ là quyết định chính trị/quân sự (6).
Ông Thế thì chừng mực nhưng nhiều thân hữu thì không. Nguyen Hoang bỡn cợt đầy đau đớn, dùng công nghệ và thiết bị của Huawei thì Việt Nam không cần phải lo về hiểm họa “hậu môn” (back door) nữa bởi “bạn” sẽ đường hoàng đi vào bằng cửa trước. Danh Nguyen ví von Huawei là Mỵ Châu hiện đại, không rắc lông ngỗng mà rải IP packages nên An Dương Vương chạy đàng trời. Đó cũng là lý do Son Do Hoai bảo rằng, giang đang trong tình trạng nguy cấp hơn hơn bao giờ hết. Còn Vũ Sự thì buồn bã vì với thể chế này và vì “anh em quan lại” quen với thoả thuận %, Huawei sẽ không gặp khó trong việc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
***
Trong bối cảnh như hiện nay – khi các thiết bị liên quan tới kỹ thuật thông tin, viễn thông có xuất xứ từ Trung Quốc, đặc biệt là của Huawei tràn lan tại Việt Nam – ông Nguyễn Đăng Hưng, nêu ra hàng loạt câu hỏi: Ai đã rước Huawei, tòng phòng với gián điệp Tàu? Nên làm gì ngay và nhanh? Ngoại trưởng Mỹ vừa tuyên bố Mỹ sẽ không hợp tác, chia sẻ thông tin với các quốc gia dùng thiết bị Huawei, một nửa Cộng đồng châu Âu, Úc, Ấn, Nhật,… đã có quyết định tương tự! Chẳng nhẽ chọn Huawei chỉ để chơi với Tàu ư (7)?
Lam Hồng Nguyễn – facebooker từng nhận định Huawei là “họng súng vô hình” – đã dẫn công văn số 42/PA04 như một bằng chứng để chứng minh Lam hoàn toàn không quá lời về một nguy cơ hão huyền. Một số người chỉ trích Lam từng khẳng định, thiết bị của Huawei không chỉ phổ biến mà còn rất… an toàn. Nên xem Huawei như một nhà cung cấp thiết bị và điều duy nhất cần bận tâm là chất lượng cũng như giá cả. Đẩy Huawei lên thành nguy cơ với an ninh quốc gia là hài hước vì quá giàu trí tưởng tượng... Cho dù công văn số 42/PA04 bị xem là giả nhưng những lời kêu gọi của Lam: Thôi nhé, không 5G, không 4 tốt, 16 chữ vàng....gì với Huawei nữa - chẳng lẽ vô giá trị (8)?
Song có một điều đáng tiếc là Việt Nam… còn có gì với Huawei hay không (?) không nằm trong khả năng của những cá nhân như Giang Công Thế, Vũ Kim Hạnh, Nguyễn Đăng Hưng, Nguyễn Hồng Lam,… Ngay cả khi thiên hạ thi nhau cảnh báo thì cũng như không. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Viettel, giờ là Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông, đã khẳng định, Việt Nam phải là một trong những quốc gia đầu tiên phát triển mạng 5G. Hạ tầng của Viettel, vốn của Viettel dựa vào đâu để thành hàng đầu? Hãy tra google, tra thêm cả tiến trình phát triển của Viettel bên ngoài Việt Nam nữa
Về lý thuyết, Huawei phải cạnh tranh với Ericsson, Nokia, Samsung nhưng tại sao ông Fan không lo mà khẳng định như đinh đóng cột Huawei sẽ thắng trong cuộc đua cung cấp công nghệ, thiết bị tại Việt Nam? Trong bối cảnh như hiện nay, có quốc gia nào mà Thủ tướng tha thiết mời gọi Huawei gia tăng hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ thông tin về… an toàn thông tin và thề hứa, sắp tới, chính phủ “sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác này” như… Việt Nam (9). Có một chính phủ như thế phía sau, Huawei muốn thua cũng… khó! Trở ngại có thể là lớn nhất – cộng đồng sử dụng dịch vụ viễn thông - đang và sẽ được hệ thống truyền thông chính thức dẫn dắt từ vụ án mạng này đến vụ ly hôn khác! Đâu còn gì đáng phải bận tâm.
Trân Văn
Chú thích:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét