BẢO TÀNG QUẢNG NINH: MỘT CHÚT BUỒNCƯỜI! (MẠC VĂN TRANG)

baotang_quangninh01

”...Có mấy hiện vật rất giá trị là mấy cái CỌC Bạch Đằng và mấy CỘT MỐC bằng đá dựng ở biện giới Việt – Trung giữa nhà Thanh và Chính quyền Pháp, đề chữ Pháp và chữ Nho “Đại Việt”, 1890, không thấy được quan tâm thuyết minh…”
Năm ngoái đã vào thăm Bảo tàng (BT) Quảng Ninh và đã viết 1 mẩu chuyện vui vui. Năm nay dẫn thằng cháu đi chơi Hồng Gai, lại vào Bảo tàng và lại phát hiện mấy chi tiết buồn cười.

1. Các bạn trưng bày hình tượng người nông dân úp NƠM và đánh GIẬM rất buồn cười. Úp Nơm thường ở chỗ nước khá sâu, người xưa phải cởi trần, đóng khố, sau này thì mặc quần đùi, chứ không ai mặc quần áo dài như đi ăn cỗ! Đánh Giậm cũng vậy, đóng khố/mặc quần đùi, có thể mùa lạnh mặc áo, nhưng buộc dây thắt lưng đeo Giỏ ngang lưng và tay áo xắn cao… Nhiều hình ảnh trưng bày khác cũng vậy, khá hời hợt!
baotang_quangninh02
2. Đúng là người Pháp khai thác than đầu thế kỷ XX còn thô sơ, công nhân phải đào hầm bằng búa và chòong đục đá, cuốc Chim, chống lò bằng cây gỗ; công nhân phải đội than hoặc đẩy xe Gòong trong đường hầm chật hẹp, tăm tối, đầy vụi bặm, nhem nhuốc… Còn ngày nay khai thác than bằng máy móc hiện đại, những máy khoan, máy xúc, máy ủi, băng chuyền than tuôn ra như suối… và công nhân mặc quần áo bảo hộ lao động, sử dụng công cụ hiện đại, mặt mũi sạch sẽ…
baotang_quangninh03
Sự khác nhau giữa 2 thời kỳ là bởi sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, công nghệ khai thác mỏ diễn ra trên toàn thế giới, chứ không phải xưa kia thực dân Pháp bắt dân ta làm khổ cực, nay chế độ XHCN, công nhân được lao động sung sướng, như Bảo tàng cố chứng minh! Nếu cứ thấy lao động khổ cực, lạc hậu là phải quy kết, thì thời đồ đá, “thằng cai trị” nào bóc lột làm người nguyên thủy ăn lông ở lỗ, trần truồng vậy?

Ở Ba Lan chẳng hạn, mỏ THAN, mỏ MUỐI không khai thác nữa, biến thành bảo tàng, thu hút rất đông người xuống hầm lò tham quan. Người ta giới thiệu lịch sử phát triển của MỎ, của NGHỀ, gợi lên sự khâm phục và biết ơn những NGƯỜI LAO ĐỘNG các thế hệ… chứ không nhằm căm thù hay ca ngợi nhà cầm quyền nào!

3. Có điều thú vị: Thời thực dân Pháp, người ta phải thăm dò, khai phá từ đầu với công cụ thô sơ, lạc hậu… vậy mà cái Công ty than của Pháp lại có lãi và do đó họ mở rộng dần từ mỏ Mạo Khê ra Tràng Bạch, rồi Uông Bí …. Và họ “bóc lột công nhân tàn tệ”, nhưng bố tôi làm thợ lò từ 1920 đến 1935, lại gom tiền “lương chết đói” về quê làm được mấy gian nhà gỗ và tậu được mấy sào ruộng; từ vô sản thành Trung nông!

Còn bây giờ xem Bảo tàng thấy, máy móc hiện đại cực kỳ, các mỏ vô cùng hoành tráng, cán bộ công nhân sáng ngời, phong trào thi đua “làm theo lời Bác” nở như hoa mùa Xuân… Nhưng nghe nói Tổng Công ty lỗ hàng ngàn tỷ, và hình như chỉ các sếp giàu có, xe hơi, biệt thự, bằng mấy chủ Tây ngày xưa… Còn công nhân nào có khá gì!

4. Bảo tàng trưng bày truyền thống đánh Pháp, đánh Mỹ cực kỳ anh dũng, thắng lợi vẻ vang, nhưng không thấy trưng bày chiến thắng … quân bành trướng Trung Cộng dã man năm 1979!? Không một dấu vết, một dòng chữ nào! Hỏi hướng dẫn viên thì bảo, có nhiều người Trung quốc xem Bảo tàng, không dám trưng bày cái đó nhạy cảm (?).

Ô hay, cũng có nhiều người Pháp, người Mỹ xem Bảo tàng này cơ mà? Vả lại Tổng thống pháp còn được đưa đến xem Điện Biên Phủ và ông John McCain, thượng Nghị sĩ Mỹ, thượng khách của Việt Nam, mà còn được dẫn đến xem cái tượng người ta tạc ông quỳ gối giơ tay hàng, đề tên tuổi ông hẳn hoi, có sao đâu? Sao lại hèn vời Tàu cộng che giấu lịch sử trắng trợn như vây?

– Dạ cái này do trên, chúng cháu chỉ biết chấp hành thôi, bác ạ!

– Ừ thì, nói để các bạn trẻ biết, “trên”, thì nói làm gì với những người, chỉ muốn Tàu cộng vào Vân Đồn làm “Đặc khu 99 năm”…

5. Có mấy hiện vật rất giá trị là mấy cái CỌC Bạch Đằng và mấy CỘT MỐC bằng đá dựng ở biện giới Việt – Trung giữa nhà Thanh và Chính quyền Pháp, đề chữ Pháp và chữ Nho “Đại Việt”, 1890, không thấy được quan tâm thuyết minh…

Thôi thì liếc qua, thấy đôi điều chướng tai, gai mắt, chả nhẽ không nói. Chứ biết rằng những người liên quan với Bảo tàng Quảng Ninh chả muốn nghe đâu!

Mạc Văn Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét