ĐẦU NĂM NÓI CHUYỆN TÂM LINH : ĐẠO TINLÀNH (PHAN VĂN SONG)

past_present_future

« Nhơn kiến mục tiền, Thiên kiến cửu viễn – Người chỉ thấy ngày nay, nhưng Thiên Chúa thấy ngày mai – L’homme ne voit que le présent, mais Dieu voit le futur – Men see only the present, but Heaven sees the future ».


"Nhơn kiến mục tiền, Thiên kiến cửu viễn – Người chỉ thấy ngày nay, nhưng Thiên Chúa thấy ngày mai – L’homme ne voit que le présent, mais Dieu voit le futur – Men see only the present, but Heaven sees the future". 
Câu kết của bài diễn văn Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence ngày 4 tháng X năm 2018 vừa quađược biết là đã trích từ sách « Dụ thế minh ngôn » của Phùng Mộng Long đời nhà Minh, bên Tàu. Nhưng đây cũng là ý nghĩ của một tín đồ Cơ Đốc Giáo - Tin Lành!
Ngày 4 tháng10 năm 2018 vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã có bài diễn văn về quan hệ Mỹ – Trung gây xôn xao dư luận thế giới, vì cuối bài ông kết luận bằng một câu ngạn ngữ cổ của phương ĐôngNgười chỉ nhìn trước mắt, nhưng Trời nhìn thấu tương lai” (Nhơn kiến mục tiền, Thiên kiến cửu viễn). (Men see only the present, but Heaven sees the future). Có thật sự là của phương Đông, Tàu không ?
Trước khi vào đề xin nhắc lại : Tháng 7 năm 2016, khi được đề cử làm Phó Tổng thống Mỹ, trong bài diễn văn tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng hòa, ông Mike Pence cũng đã tự giới thiệu:
“Tôi là một tín đồ Thiên Chúa Giáo, là người theo chủ nghĩa bảo thủ và là đảng viên Cộng hòa”. Và ông nói thêm « Không phải nói là Chúa đứng về phía chúng ta, mà là, dùng lời của Chúa mà nói, chúng ta nguyện ý đứng ở bên Chúa ». Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng :« Chúng ta là quốc gia tự do dưới chân của Thượng Đế, giữ vững tín niệm tự do, dân chủ và công bằng chánh trực ».
Và sau đây, cũng nên nhắc thêm rằng Tổng thống Mỹ đương nhiệm, ông Donald Trump, cũng là người theo Đạo Tin Lành, và nội các của ông phần lớn là những người theo Đạo Tin Lành và Công giáo Phó Tổng thống Mike Pence, nhơn vật số hai của Mỹ, cũng là một tín đồ Tin Lành.
Thiên Chúa Giáo - Cơ Đốc Giáo
Thế giới ngày nay gồm có 2 Tỷ 180 Triệu tín đồ Thiên Chúa Giáo, tức là 1/3 dân số của quả Địa cầu.
Từ ngữ « Thiên Chúa Giáo », dân chúng Việt Nam ta đang xài, do ảnh hưởng của Hội Truyền Giáo Pháp, dùng để dịch từ Christianisme của Pháp ngữ. Từ ngữ « Cơ Đốc Giáo » ít được sử dụng, nhưng nếu được dùng, thì có vẻ đúng hơn, vì cũng do từ ngữ « Christianisme » do từ Christ-Cơ Đốc tên của Jésus-Christ, nhơn vật được các giáo hữu Thiên Chúa Giáo thờ phượng. Jésus-Christ, đại diện phần Con người của Thiên Chúa – Dieu.
Người đi đạo Thiên Chúa – les chrétiens – christians đặt Đức tin vào Chúa Ba Ngôi : Ngôi 1/ Đức Chúa Cha – Dieu le Père, không có hình ảnh, không có tên, theo truyền thống Do thái giáo - Yéhovah, 2/ ngôi thứ hai là Đức Chúa Con – Dieu le filsJésus - Christ, được Đức Chúa Cha sai xuống trần, đi rao giảng, chịu nạn, chết trên cây thánh giá, ba ngày sau, sống lại, lên trời ngự cạnh Đức Chúa Cha, và 3/ ngôi thứ ba Chúa Thánh thầnle Saint Esprit - Holy Spirit, sống cạnh ta, trong tâm trí ta, hằng ngày giúp đở mọi hành động, mỗi chúng ta.
Thiên Chúa Giáo – le Christianisme - Christianism ngày nay gồm ba nhánh chánh :
Thiên Chúa Giáo La mã – âu tây gọi là Catholique. Người Việt ta dịch là Công giáo – nhưng từ ấy rất kỵ đối với một số đông người Việt chúng ta – trong ấy có cá nhơn chúng tôi – vì từ ngữ Công giáo được hiểu như Đạo của quần chúng - Religion publique - đạo của số đông tại Việt Nam - nên mang ít nhiều sắc thái thực dân. Theo cách hiểu, catholique do từ la tinh catholicus, gốc hy lạp cổ καθολικός, katholikós, quần chúng – phổ thông - général, universel. Nên cá nhơn chúng tôi thường dùng nhóm từ ngữ khá dài mỗi khi nói đến Đạo nầy, chúng tôi gọi Đạo nầy là « Thiên Chúa Giáo La mã » vì Giáo hội Thiên Chúa Giáo nầy có Tòa Thánh đặt trụ sở tại ở Vatican, với Thánh Đường Thánh PhêRô, một tiểu quốc gia nằm trong nội thành thủ đô Roma – La mã của quốc gia Ý Đại Lợi.
 - Nhóm Thiên Chúa Giáo thứ hai là nhóm Thiên Chúa Giáo Chánh Thống – Chrétienorthodoxe
Nhà Thờ Chánh Thống hay Nhà Thờ Tổng Hợp của Bảy Hội Đồng hay Hợp Nhứt Chánh Thống - L'Église orthodoxe, ou Église des sept conciles, ou encore Communion orthodoxe. Nhà Thờ Chánh Thống - orthodoxe (do từ ngữ cổ hy lạp Ὀρθοδοξία, có nghĩa là đúng-juste-exact), đến từ các cộng đồng các Nhà Thờ do các chính các tông đồ của Jêsus, từ thời sơ khai đi giảng đạo sau khi Jésus mất (năm 33) dựng lên tại các vùng phương Đông của Đế Quốc La mã.
Theo thống kê được biết có 285 Triệu tín hữu Chánh Thống Giáo trên thế giới. Và cũng là nhóm Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo, với số giáo dân đứng hàng thứ ba, sau Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo La Mã, và
 - nhánh thứ ba là các Nhà Thờ thuộc Nhóm Tin Lành.
Thế giới ngày nay có 2 Tỷ 180 Triệu tín hữu Thiên Chúa Giáo, 1/3 của Nhơn loại.
Riêng nhóm Nhà Thờ Cải Cách hay Nhà Thờ Tin Lành gồm 630 Triệu tín hữu.
Phong trào Cải Cách Nhà thờ Cải Cách – Églises réformées:
Nhà Thờ Cải Cách hay Nhà Thờ Tin Lành ra đời với Linh mục Martin Luther, một tu sĩ người Đức giòng Thánh August Thiên Chúa Giáo La mã sanh năm 1483, mất năm 1546 tại Eisleben – Tỉnh Saxe-Anhalt ngày nay, Đức Quốc, và giáo sĩ Jean Calvin, một nhà thần học người Pháp sanh năm 1509 tại Noyon Pháp Quốc và mất năm 1564 tại Genève – Thụy sĩ. Cả hai vị giáo sĩ nầy đều không đồng quan điểm với Tổ chức Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo và với các tu sĩ và cả với vị Giáo Hoàng thời bấy giờ là Léon X, cùng với cả toàn thể Giáo Hội Thiên Chúa Giáo lúc ấy chưa gọi là La mã.
Không đồng quan điểm : - về quan niệm Cứu rỗi, Giải thoát Linh hồn – le Salut de l’âme,
 - về những phép thánh - les sacrements.
 - Họ cũng không đồng quan niệm cả về việc tổ chức Nhà thờ, và cả cách giáo dục và quản trị các giáo hữu. Do đó, các đề nghị phải cải tổ chẳng những toàn bộ Nhà Thờ, cả Giáo hội, mà cải tồ từng phần hành một, từ các giáo điều đến cả phần thực hành.
Vì vậy Đạo Tin Lành cũng được gọi là Nhà Thờ Cải cách – les Églises Réformées, hai vị Luther và Calvins những nhà cải tổ – les réformateurs và phong trào la Réformation – Phong trào Cải tổ, hay Cải Cách. Cũng vì cải tổ liên tục, làm cải cách, làm cách mạng liên tục nên chẳng chốc, Tin Lành bị chia thành nhiều hệ phái : nhóm Luther, le lutheranisme, nhóm Calvin, le calvinisme, nhóm Anh Giáo, l’anglicanisme và nhiều hệ phái nữa … Ngày hôm nay, thống kê cho biết trên dưới khoảng có thể có khoảng 36 000 nhà thờ hệ phái khác nhau.
Nhắc lại ngày đầu – Sáng thế ký- La Génèse :
 500 năm năm trước. Ngày 31 tháng 10 năm 1517.
Trên cánh cửa « Nhà Thờ Các Thánh - Église de Toussaint » ở thành phố Wittemberg (tỉnh Saxe-Anhalt, ngày nay), một bản tường trình gồm 95 giáo án – 95 thèses được dán lên. Đấy là 95 đề nghị của Luther để cải cách những tập tục của Giáo hội Thiên Chúa Giáo về những cách thức chuộc tội bằng cống hiến bằng tiền của ( cf xin phép tạm dùng từ ngữ Việt Nam mượn từ ngữ phật giáo : « cúng dường »).
Dưới tên gọi là Tranh cải về luật áp dụng cách Tha hay Chuộc Tội (cf tên la tinh Disputatio pro declaratione virtutis indulgentiarumbằng 95 giáo án, 95 lời đề nghị, giáo sĩ Martin Luther phản bác cách thức và thủ tục của Giáo hội Thiên Chúa Giáo thời bấy giờ, do Giáo Hoàng Léon X đề xướng, để bán những thủ tục, những cách thức « tha hay chuộc những tội lỗi » - les indulgencesMục đích kiếm tiền ngân khoản, tài chánh giúp đở để xây Thánh Đường Thánh Phê rô – Saint Pierre ở Roma – Ý đại Lợi !
Quan niệm Cứu rỗi, tha tội hay Chuộc tôi, bằng « lễ vật cúng dường, dâng tiền, cúng bạc, ... » là một điểm tranh cãi quan trọng nhứt giữa nhóm Cải Cách và nhóm Thiên Chúa Giáo (lúc ấy chưa về La mã) và cả đến ngày nay. Cúng lễ để thoát Địa ngục, sớm được rước vào nước Thiên đàng. Quan niệm Thiên Chúa Giáo rằng, muốn linh hồn sớm giải thoát, sớm siêu thoát phải do làm việc thiện, phải cúng kiến, làm việc nghĩa … Làm việc thiện, chưa đủ ! Phải cúng lễ vật, tiền của, trước để cứu việc xấu, sau sẽ giúp ta siêu thoát sớm, đi nhanh vào Thiên đàng.
Nhưng nhóm Cải Cách lại quan niệm khác : Không có trung gian. Vì chẳng có ai là trung gian giúp ta cả, cứu rỗi linh hồn ta cả ! Chỉ có Chúa và Đức Tin. Sự Cứu rỗi – La Grâce đến từ Thiên Chúa, từ Jêsus, từ Cha trên Trời ! Sự Cứu rỗi là do Đức Tin – Le Salut par La Foi. Tin vào Chúa Cứu Thế đã Hy Sanh trên Thập Tự Giá để Cứu Nhơn loại. Nói tóm lại do Lòng Thành !
Do đó, dân Tin Lành Cải Cách cho rằng dân Thiên Chúa Giáo và các Nhà Thờ La Mã, cùng các đệ tử của Giáo Hoàng – les papistes, đã dụ dỗ dân nhẹ dạ « cúng dường tiền bạc » để làm giàu Nhà Thờ La Mã. Vì lý do đó, nhóm Cải Cách đề nghị cải tổ hệ thống Thiên Chúa Giáo, để trở về nguồn cội : Sách Kinh Thánh – La Sainte Bible – The Holy Bible.
Luther lựa ngày 31 tháng 10, cũng không phải là một vô tình, tin rằng ngày hôm sau, ngày 1 tháng 11, Ngày Lễ Các Thánh – Toussaint, Nhà Thờ sẽ đông giáo hữu để đọc bảng tường trình nêu trên.
Với bảng tường trình nầy, Martin Luther đã xây dựng nền móng cho Phong Trào Cải Cách Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo. Phong trào cũng được các Nhà Thờ La Mã đặt tên là Phản Kháng- le Protestantisme, hay Phản Thệ – Nhưng từ ngữ Pro-testant cũng có nghĩa là Nhà Thờ của những Người làm Chứng. La tinh ngữ : Pro – Thuận Tester – là làm chứng. Vì mỗi Tín hữu phải là một chứng nhơn, chứng minh rằng mình là người Đi Đạo, có Đức Tin, Đức Tin rằng có Đức Chúa Trời Ba Ngôi, Đức Tin vào Jésus đã xuống trần, đã chết trên Thập Tự Giá để cứu rỗi nhơn loại.
Đạo Tin Lành
được dịch sang Việt ngữ do từ ngữ Évangiles – Bonnes Nouvelles – Phúc Âm - Tin Lành.
Giáo dân Tin Lành là Giáo dân Đọc và Tin vào Lời Chúa Từ Sách Kinh Thánh - la Sainte Bible – The Holy Bible. Sách Thánh Kinh gồm hai phần : Cựu Ước – Ancien Testament gồm một phần của Sách Thánh Kinh của Do Thái Giáo tục gọi là TaNaKh – chữ tắt gom lại của ba cuốn sách : 1/ sách Torah – nói về Luật của Đạo – Giáo Điều, 2/ sách Nevi’im các Lời của các đấng Tiên Tri, 3/ Ketouvim – các sách khác. Thiên Chúa Giáo nói chung lấy Sách Kinh của Do Thái Giáo để vào phần đầu gọi là Cựu Ước. Từ năm 1545 (tháng XII) đến năm 1563 (tháng XII) trong vòng 18 năm, dưới thời của 5 Giáo Hoàng, các giáo sĩ họp làm việc chung trong một Hội đồng gọi là Hội đồng Trente – Concile de Trente (một thành phố của Ý đại Lợi- Italy) để lấy quyết định lấy 6 cuốn sách của Thánh Kinh Do Thái làm Kinh Cựu Ước và thêm phần thứ hai gọi là Tân Ước gồm những sách nói về đời của Jésus-Christ và các tông đồ, gồm 4 cuốn Phúc Âm - Évangiles của bốn tông đồ Mathieu, Marc, Luc, Jean ; Sách kể Công trình của các Tông đồ – Actes des Apôtres ; các Lá Thư – Les Épîtres của Paul, Jacques, Pierre, Jean và Jude ; Sách Apocalypse – Khải Huyền
Cuộc Giáo Chiến – La Guerre des Religions :
Từ bất đồng chánh kiến tôn giáo, biến thành bất đồng chánh kiến chánh trị. Chẳng chốc các Quan quyền, Công Hầu Vương Đế của Âu châu thời bấy giờ, bổng nhận thức rằng, bất đồng tôn giáo, có thể là những phương tiện đấu tranh chánh trị, kinh tế, tạo những phe cánh, đồng minh chánh trị kinh tế, để xâm chiếm, tranh giành ảnh hưởng, lãnh thổ, cướp đoạt đất đai, lãnh thổ lẫn nhau. Và Phong trào Tin Lành Cải cách có thể là một phương tiện để tránh xa ảnh hưởng của Ông Giáo Hoàng đang tung hoành, nhơn danh Thiên Chúa và Thánh Ý - Par la Grâce de Dieu et du Droit divin, đặt ngôi Vương, tước Đế cho các vị Vua Chúa Âu Châu thời bấy giờ, nhơn danh đại diện Thiên Chúa.
Khi tự nhận mình là người Tin Lành, các Công, Hầu, Vương Đế của một tiểu quốc có thể thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Giáo Hoàng, khỏi phảiđóng hụi sống, hụi chết, khỏi bị các Vua Quan khác ăn hiếp. Trái lại với các Vua Chúa đã được Giáo Hoàng đở đầu, quan niệm rằng Vương Miện Đế Vương là của Chúa Ban Cho – Droit divin – Thánh Ý , bổng nhiên đâm sợ bọn Cải Cách. Vì ngày nay bọn nầy không còn sợ Giáo Hoàng là Người đại diện Chúa dưới trần nữa ! Thế là cuộc Chiến Tôn Giáo xảy ra. Nước Pháp bị khủng hoảng nặng nhứt. Gần hai thế kỷ. Bao nhiêu hỗn loạn.
Khác biệt :
Giáo dân Tin Lành chỉ Tin vào Lời Chúa Viết trong Kinh Thánh, Sola Scriptura.
Do đó giáo dân Tin Lành đọc sách Kinh Thánh viết bằng ngôn ngữ địa phương của mình, không dùng la tinh, hay hy lạp...Cũng do đó các buổi lễ đều giảng , các bài kinh, đều bằng tiếng nói hằng ngày, không dùng la tinh hay hy lạp, cổ ngữ… Các lễ Tin lành khác với Thiên Chúa Giáo La mã, không có một hình thức, một quy luật nào bắt buộc. Tự do tùy theo thủ tục địa phương. Chỉ phải có bài giảng – prédication - là phần quan trọng nhứt, vì là bài giảng, là phần giáo lý, là một bài học lấy từ Kinh Thánh.
Cũng như một Linh Mục bên Thiên Chúa Giáo La Mã, người đầu đàn một Nhà Thờ Tin Lành thường là một Mục sư. Nhưng khác với vị Linh Mục, Mục sư có gia đình vợ con, sống đời sống thường dân. Có cả những Mục sư là người nữ nữa. Cũng như vị Linh Mục, Mục sư, là một vị chuyên viên hành lễ. Nhưng quyền hành lể không riêng biệt giành cho Mục sư, mọi giáo dân Tin Lành, cũng đều có quyền chuyên nghiệp đó, nếu được Hội đồng Quản hạt địa phận Nhà Thờ ở địa phương ấy cho phép. Do đó, Mục Sư có thể không có trách nhiệm một địa phận một Nhà Thờ. Nhưng Mục sư được kính trọng vì sự hiểu biết về Giáo Lý.
Về phần các phép thánh – les sacrements. Cũng khác hẳn với Thiên Chúa Giáo La mã. Chỉ tin vào HAI Thánh Lễ : Lễ Rửa tội - Baptême , và Lễ Tiệc Thánh – la Sainte Cène.
Nhưng có nhiều hệ phái Tin Lành không tin vào quan điểm Mình và Máu Thánh Chúa – Bánh Lễ Rượu Lễ không có chức năng Thánh.
Tin lành không tin các vị « trung gian ». Không có Đức Mẹ Cứu rỗi, không có các Thánh Thần. Sola Gracia. Cầu nguyện trực tiếp với Cha Trên Trời. Không xưng tội với một Linh Mục Trung Gian, như bên La Mã.
Những giá trị tâm linh của Tin Lành
Giáo hữu Tin Lành có 6 điều tâm niệm. Và đó cũng là những giá trị tâm linh của Đạo Tin Lành
6 Điều Tâm Niệm :
1 - Soli Deo Gloria - À Dieu seul la gloire - To God alone glory - Chỉ Vinh Danh Thiên Chúa
Chỉ vinh danh Thiên Chúa. Nhơn danh một Thiên Chúa tự do, người Tin Lành vinh danh sự Tự do tín ngưởng.
2 - Sola Gratia - La grâce seule - Grace alone
Sự Cứu Rỗi và Tình Yêu của Chúa đối với nhơn loại vô giá và vô bờ bến. Nhơn loại ngày nay được cứu rỗi do tình Yêu của Thiên Chúa. Do đó để trả lại, ta phải yêu tha nhơn như Chúa đã yêu quý chúng ta.
3 - Sola fide - La foi seule - Faith alone
Đức Tin đến giữa người và Chúa. Đức Tin đến bất ngờ, trong những thắc mắc, những câu hỏi. Do đó Nhơn loại phải được Tự do trong Đức Tin.
4 - Sola scriptura - La Bible seule - The Bible alone
Chỉ có Sách Thánh Kinh là nói sự thật. Hãy đọc Kinh Thánh và lấy lời sách Kinh Thánh để nghiệm việc đời.
 5 - Ecclesia reformata semper reformanda - Des Églises toujours à réformer - Churches still to reform
Những Nhà Thờ là nơi hội họp, hôi tụ những giáo hữu có Đức Tin vào Đáng Jêsus-Christ, qua lễ Rữa Tội – le Baptême và qua Buổi Thánh Tiệc – Sainte Cène – Holy Cena. Đó là những quy chế tạo ra để làm gạch nối giữa tín hữu và Thiên ChúaVà vì cộng đồng tín hữu nầy sẽ luôn luôn thay đổi theo nhịp sống của nhơn loại, do đó Nhà Thờ cũng sẽ phải thay đổi theo nhơn cách, thời thế ...
6- Le sacerdoce universel-The universal priesthood
Mỗi tín hữu có một chổ đứng nhứt định trong Giáo hội, thường dân hay Mục sư. Mục sư là một chuyên viên nam hay nữ nhận được sự huấn luyện bằng giáo lý đễ giúp những tín hữu khác tiến hành trong phần mục vụ và tư tưởng giáo lý. Nhưng làm nhơn chứng cho một Đức Tin phục vụ cộng đồng là một bổn phận của mỗi giáo hữu Tin Lành.

Thánh giá Huguenote, có từ thế kỷ thứ XVII,
là dấu hiệu của giáo dân Tin Lành Pháp

 Giá trị độc đáo của Tin Lành 
 Nhà Thờ Cải Cách Tin Lành Pháp là Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo thuộc hệ thống Tin Lành Quốc tế. Giáo hữu Tin Lành đặt Đức Tin vào Sách Kinh Thánh và đặt Đức Tin vào sự liên hệ đặc biệt cá nhơn với Thiên Chúa.
 Sự Tự Do cá nhơn nầy là một đặc điểm của Tin Lành. Giáo hội hay Tổ chức Nhà Thờ không tạo quy chế cho Đức Tin. Đạo Tin Lành không có quy định Giáo điều, không có Tòa án trục xuất, tuyên phạt mọi tín hửu nào cả, rút phép tông cộng – excommuniermột ai cả. ... Do đó mỗi tín hữu, mỗi giáo hữu đều tự trách nhiệm mình trước mặt Thiên Chúa. Xét mình, suy nghĩ, xám hối, với những quy chiếu là Lời Thánh trong Kinh Thánh.
Do đó Kinh Sách là dụng cụ cơ bản và là nền tảng của đời sống của tín hữu Tin Lành. Đọc Kinh Thánh, không phải bắt buộc phải đi « sát nghĩa » nhưng phải với một suy nghĩ cầu tiến, sửa sai, phê bình nếu cần, bổ túc, chỉnh huấn để áp dụng đúng với thời cơ, hạp với thời thế. Sách Kinh Thánh phải được sử dụng như một món ăn tinh thần, một liều thuốc bổ, hữu ích cho tư tưởng, bồi dưởng cho tinh thần, chứ không phải là như là một kinh điển, gò bó, bắt buộc.
 Nhà Thờ, Giáo hôi, tổ chức không phải là một thể chế đầy thần thánh, mà là một tổ chức do những người Thiên Chúa Giáo dựng lên, để cùng chung sống, cùng chia sẻ một Đức Tin, cùng đi chung một con đường, cùng đi tìm một Đạo lý, cùng tìm một Đạo giáo, cùng tìm một cái Đạo làm Người.
Vị Mục Sư là người chăm lo đời sống tin thần của cộng đồng. Là một chuyên viên đạo lý, là một thầy giảng Kinh Thánh, một chuyên viên thần học. Bổn phận Mục Sư là chăm lo đời sống tinh thần bồi dưởng đạo lý, chăm sóc sự hiểu biết về Giáo lý của các tín hữu. Mục Sư không có quyền hạn tha tội ai cả (mỗi tín hữu tự trách nhiệm trước Cha Trên Trời, Thiên Chúa) Mục Sư cũng không đặc trách làm lễ Thánh Tiệc – Sainte Cène hay một Thánh Lễ nào cả. Mục Sư có quyền cưới vợ có con. Mọi mục vụ của Mục Sư, mọi tín hữu đều có quyền làm cả. Lễ Nhà Thờ Ngày Chúa Nhựt là thời gian hội họp để công đồng tín hữu họp mặt nhau, cùng nhau hiệp thông cầu nguyện. Lễ ấy là một buổi họp công cộng. Mọi người đều được trân trọng kính mời. Bài giảng giáo lý – la prédication là phần quan trọng nhứt.
Buổi Tiệc Thánh la Sainte Cène, với người Tin Lành là một buổi lễ đầy tín hiệu. Bánh mỳ chỉ là bánh mỳ thuần túy (Với Thiên Chúa Giáo La Mã là mình thánh Chúa), Rượu Vang – Vin vẫn là rượu Vin, (không phải Máu Chúa gì cả). Nhưng đây là một buổi tiệc chung chia sẻ giữa các Giáo hữu để tưởng nhớ buổi tiệc cuối cùng của Jésus, trên trần thế, chia sẻ lần cuối, dặn dò với các tông đồ trước khi, rời xác phàm, bỏ mình, thân xác bị hành hạ, máu đổ, thịt rơi, hy sanh để cứu rỗi nhơn loại đó thôi !
Giáo hữu Tin Lành chúng tôi, tin vào sự Cứu Rỗi do Tình thương vô biên giới của Thiên Chúa. Do đó, mọi hành động của chúng ta phải được tự do cân nhắc, nhưng luôn luôn với lòng thành kính và khiêm nhượng để xin sự hỗ trợ của Thiên Chúa để không nhầm lẫn.
Để Kết Luận :
« Không phải nói là Chúa đứng về phía chúng ta, mà là, dùng lời của Chúa mà nói, chúng ta nguyện ý đứng ở bên Chúa »Như lời của Phó Tổng Thống Mike Pence đã nói để tự giới thiệu
Và vì Tự Do mang lại Đa nguyên, nên ngày nay có rất nhiều hệ phái Tin Lành. Nhiều Nhà Thờ Tin Lành khác nhau. Và vì Tin Lành không có Giáo Hội, vì không có Giáo Hoàng … nhưng vì tất cả đều Thờ Thiên Chúa, thờ Jésus-Christ và thờ Chúa Thánh Thần. Và vì tất cả đều cầu nguyện Chúa Ba Ngôi, đọc và trọng Kinh Thánh. Đều đồng tâm hiệp lực như vậy, đủ rồi !
Ngày nay, ở Âu châu, Nhà Thờ Tin Lành có mặt rất nhiều ở Bắc Âu, Thụy sĩ, Đức, Hòa Lan, các quốc gia gốc anglo-saxon, Vương quốc Anh … Ở Thái Bình Dương, Úc Tân Tây Lan, Đại Tây Dương hay Mỹ và Canada … Ở Đông Nam Á Nam Hàn là một quốc gia đặc biệt nhiều tín đồ Tin Lành…
Theo nhận xét quốc tế : Những quốc gia nào có đa số quần chúng là giáo dân Tin lành, thường được nhiều cơ chế xã hội với sanh hoạt xã hội rất sung túc.
Do tập tục không có giáo điều, sanh hoạt cộng đồng tự túc, tự biên, tự diễn nên tinh thần Dân chủ rất cao. Quan niệm luôn luôn cải cách, bắt buộc các Nhà Thờ phải luôn luốn thích ứng với thời thế. Và vì tâm niệm thứ sáu là phải luôn luôn phục vụ, nên buộc mỗi giáo hữu Tin lành phải phục vụ cộng đồng. Chỉ vì Nhà Thờ là cộng đồng.
Vì không có trung gian không có ai tha tội, nên tín hữu Tin lành chúng tôi rất sợ mỗi buổi tối phải nói chuyện với « Cha mình trên trời », nên không dám làm bậy!
Hồi Nhơn Sơn, những ngày đầu năm Kỷ Hợi
Phan Văn Song

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét