8/ Giành quyền tự do kết hợp
Đã đến lúc họ phải nhìn thẳng vào sự thực và lấy quyền tự
do kết hợp làm mục tiêu tranh đấu cốt lõi, nếu chưa hẳn là duy nhất, của giai
đoạn này.
Cũng như tự do ngôn luận, tự do kết hợp là điều mà ta có thể
giành được. Lý do là vì "kết hợp" là một khái niệm vừa không có định
nghĩa rõ ràng lại vừa là một nhu cầu tự nhiên mà không một chế độ nào có thể cấm
hoàn toàn. Gia đình là một kết hợp, những nhóm bạn bè cũng là một kết hợp, các
tổ chức do đảng cộng sản thành lập hoặc cho phép như hội phụ nữ, hội nhà văn,
các xí nghiệp, trường học v.v. đều là những kết hợp. Kết hợp có biên giới mờ ảo
và đó chính là đặc tính mà chúng ta có thể khai thác nếu khôn khéo và có quyết
tâm.
Trước hết, sử dụng khả năng ngôn luận hiện có để trình bày sự cần thiết của tự do kết hợp, đòi hỏi quyền tự do kết hợp và đặt quyền tự do kết hợp thành mục tiêu tranh đấu của những người muốn đổi mới đất nước.
Sau đó, cũng giống như tự do ngôn luận, chúng ta phải vận dụng
khả năng của thực tại xã hội để giành lấy chứ không chờ đợi để được phép kết hợp.
Mức độ ngôn luận tương đối hiện nay không phải do chính quyền cộng sản tử tế
cho phép mà là một thực tại xã hội mà họ phải chấp nhận. Một cách cụ thể chúng
ta cứ kết hợp dù không được phép, nhưng kết hợp ở một mức độ và theo một cách
mà chính quyền cộng sản vừa chưa thấy cần phải đàn áp ngay vừa thấy nếu đàn áp
còn thiệt hại hơn là không đàn áp, rồi dần dần củng cố thêm, cuối cùng thành một
thực tại xã hội mà họ phải nhìn nhận. Cụ thể hơn nữa khai thác mọi trường hợp để
khuyến khích sự thành lập của các nhóm thân hữu, văn hóa, nghề nghiệp đồng thời
thành lập những nhóm gặp gỡ và trao đổi chính trị; các nhóm này không cần có
tuyên ngôn thành lập, cơ cấu tổ chức, cương lĩnh và kế hoạnh hành động; với thời
gian chúng tự nhiên sẽ có nội dung và sức mạnh. Ký tên vào một tuyên ngôn chung
có nội dung dân chủ và kết hợp là một phương thức khác. Tùy cách soạn thảo mà một
bản tuyên ngôn có ý nghĩa của một kết hợp dân chủ hay mới chỉ là một kiến nghị
hoặc một tuyên ngôn chung thuần túy.
Nếu quyết tâm chúng ta có thể buộc chính quyền cộng sản phải
chấp nhận tự do kết hợp như một thực tại xã hội như họ đã phải nới lỏng sự kiểm
soát đối với quyền tự do ngôn luận, sau đó tăng cường hai quyền này và buộc
chính quyền cộng sản chấp nhận dân chủ.
Chúng ta chỉ giành được thắng lợi cho dân chủ nếu có một lực
lượng dân chủ mạnh. Muốn hình thành một tổ chức dân chủ mạnh ở trong nước thì
phải có tự do kết hợp. Như vậy đấu tranh đòi quyền tự do kết hợp, để có thể xây
dựng lực lượng dân chủ, phải được coi là mục tiêu quan trọng nhất của giai đoạn
này. Chắc chắn cuộc đấu sẽ gay go, rất gay go, nhưng đây là trận đấu quyết định
mà chúng ta không thể tránh né.
Tự do kết hợp là một trong những quyền con người căn bản nhất
và cũng là điều kiện không thể thiếu để đất nước ra khỏi thảm kịch tụt hậu hiện
nay. Lý hoàn toàn thuộc về ta và lý tự nó có sức mạnh. Chúng ta sẽ được hậu thuẫn
của cả nhân dân Việt Nam lẫn dư luận thế giới.
Chế độ này không thể sống khi khối người nô lệ nhận ra là họ
cũng phải có quyền sống như những con người. Và họ đang ý thức được điều này nhờ
những phương tiện truyền thông hiện đại.
9/ Chủ nghĩa cá nhân là gì?
Trước hết chủ nghĩa cá nhân là gì? Một cách ngắn gọn, đó là
trường phái tư tưởng dành cho cá nhân chỗ đứng trước hết và trên hết. Đối lập với
nó là chủ nghĩa tập thể (collectivism, holism) coi tập thể (thông thường là xã
hội, nhưng cũng có thể là giáo hội, đảng, tổ quốc) là cứu cánh; cá nhân chỉ có
ý nghĩa nếu là thành phần của tập thể và do đó một mặt có nhiệm vụ đóng góp cho
tập thể, mặt khác có thể bị hy sinh vì quyền lợi của tập thể.
Một minh định quan trọng: cá nhân không phải là bản thân
mình. Những chống đối chủ nghĩa cá nhân chủ yếu là do sự lẫn lộn này. Thay
vì hiểu rằng chủ nghĩa cá nhân đặt quyền lợi và hạnh phúc cá nhân lên trên hết,
người ta hiểu chủ nghĩa cá nhân là đặt quyền lợi của mình lên trên hết, rồi đồng
hóa nó với chủ nghĩa vị kỷ (egoism).
Cá nhân và bản thân mình là hai ý niệm rất khác nhau và
không thể lẫn lộn. Cá nhân phải được hiểu là con người được nhìn một cách độc lập
với tư cách thành viên của một tập thể nào đó. Con người này vừa trừu tượng vừa
phổ cập, vì không là riêng ai cả nhưng lại hiện diện trong mọi người, nó được
coi là giá trị cao nhất. Mỗi cá nhân là một thể hiện cụ thể của con người này
và phải được tôn trọng. Sự khác biệt giữa cá nhân với bản thân mình cũng giống
như sự khác biệt giữa số 1 và một con gà hay một con vịt. Chủ nghĩa cá nhân coi
mục đích của tổ chức xã hội, trong đó quan trọng nhất là chính quyền, là tạo điều
kiện để mỗi cá nhân xây dựng hạnh phúc của mình. Nói cách khác, cá nhân là cứu
cánh, mọi tổ chức trong xã hội kể cả nhà nước chỉ là phương tiện.
Ngược lại, chủ nghĩa tập thể coi xã hội là cứu cánh, cá
nhân là phương tiện. Một thí dụ của chủ nghĩa cá nhân là Hoa Kỳ trong đó những
quyền cá nhân căn bản được coi là bất khả xâm phạm. Một thí dụ của chủ nghĩa tập
thể là chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay, trong đó việc xây dựng "xã hội
xã hội chủ nghĩa" được coi là cứu cánh.
Loài người, từ khi biết sống có tổ chức cho đến thế kỷ 18
đã chỉ biết có chủ nghĩa tập thể mà thôi. Chủ nghĩa cá nhân đặt nền tảng trên
khái niệm về con người phổ cập, được coi là giá trị cao quí nhất và phải được
tôn trọng trong từng thể hiện cụ thể của nó, nghĩa là trong mỗi cá nhân. Khái
niệm cá nhân đã được thai nghén trong suốt cuộc hành trình của loài người từ
hoang dại tới văn minh và đã được chính thức khai sinh vào thế kỷ 18, thường được
gọi là Thế Kỷ Ánh Sáng để đánh dấu một bước tiến vĩ đại của trí tuệ loài người.
Khái niệm con người là một khám phá thực sự mới và vĩ đại. Khám phá quan trọng
nhất của loài người đã là sự khám phá ra chính mình!
10/
Nhân quyền và Dân chủ
Bản tuyên ngôn Liên Hiệp Quốc năm 1948, và những văn kiện bổ
túc sau đó, qui định những quyền căn bản của cá nhân phải được tôn trọng không
điều kiện, trong đó có các quyền tự do thông tin và ngôn luận, tự do thành lập
và tham gia các tổ chức kể cả chính đảng, tự do bầu cử và ứng cử. Các quyền này
định nghĩa một chế độ dân chủ. Bản tuyên ngôn nhân quyền 1948 vì vậy cũng là bản
tuyên ngôn dân chủ. Dân chủ và nhân quyền như vậy chỉ là cùng một khái niệm dưới
hai góc nhìn khác nhau: dân chủ là nhân quyền dưới góc nhìn quốc gia, nhân quyền
là dân chủ dưới góc nhìn cá nhân. Phân biệt đấu tranh cho dân chủ và đấu tranh
cho nhân quyền là sai.
Tự do kết hợp là một quyền căn bản của con người
Nhiều người đặt câu hỏi: chế độ chính trị nào cũng đặt nền
tảng trên một tín ngưỡng hay một chủ nghĩa, vậy nền tảng của dân chủ là gì ? Nền
tảng của dân chủ là chủ nghĩa cá nhân. Người ta không thể đấu tranh cho dân chủ
trong khi vẫn dị ứng với chủ nghĩa cá nhân. Các chế độ độc tài - cộng sản,
nazi, phát-xít, quân phiệt, v.v. - là sự ứng dụng chủ nghĩa tập thể dưới các dạng
khác nhau; chúng đều có một đặc điểm chung là coi thường con người. Lý thuyết của
Karl Marx là một trong vô số những phản ứng này, nó nhìn nhận quyền con người ở
một mức độ nhưng lại dựa vào đó để ngụy biện cho chủ nghĩa tập thể. Đằng sau những
biện luận có vẻ rất hùng hồn của Marx chỉ là một sự triệt thoái lúng túng,
tương tự như chính sách "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa".
Ngày nay có thể nói là mọi người Việt Nam đều muốn dân chủ,
kể cả đa số đảng viên cộng sản. Một câu hỏi phải được đặt ra: vậy tại sao chúng
ta vẫn chưa có dân chủ?
Câu trả lời có thể chỉ giản dị là tuy chúng ta muốn
dân chủ nhưng dân chủ lại không muốn chúng ta. Đại bộ phận người Việt
Nam, dù cộng sản hay chống cộng, dù ở miền Nam hay miền Bắc, trong một thời
gian dài đã chỉ biết có chủ nghĩa tập thể, đã chỉ nhắm xây dựng những chế độ độc
tài dưới các dạng khác nhau; không những thế còn ngưỡng mộ bạo lực. Tâm lý
chúng ta thực ra chưa thay đổi bao nhiêu. Chúng ta thấy các nước dân chủ giàu mạnh
và tự do cho nên cũng muốn được như họ. Nhưng thèm muốn không phải là tình yêu.
Chúng ta không yêu dân chủ đến mức độ có thể phấn đấu cho nó. Không có gì ngạc
nhiên nếu dân chủ không muốn chúng ta. Chúng ta cần hòa giải với dân chủ, trước
hết với chủ nghĩa nền tảng của nó: chủ nghĩa cá nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét